Trong phòng mổ của một bệnh viện ở Calabria, Asbel Díaz Fonseca và nhóm của anh đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật bụng cho bệnh nhân ở độ tuổi 60. Sau một hồi cân nhắc, họ quyết định chọn kỹ thuật mổ của Mỹ.
Nhưng chủ đề chính của cuộc trò chuyện trước khi làm việc của họ là đồ ăn, cụ thể là loại pizza nào ngon nhất. Điều này nghe có vẻ không bình thường đối với những cuộc tán gẫu của người Italy, nhưng Fonseca không phải là người địa phương. Bác sĩ 38 tuổi này là một công dân Cuba. Anh đã công tác được một năm tại bệnh viện Santa Maria degli Ungheresi ở Polistena - thị trấn được bao quanh bởi những ngọn núi ở miền Nam Italy.
Vị bác sĩ phẫu thuật 38 tuổi này nằm trong số hàng trăm nhân viên y tế từ Cuba đến Italy để bù đắp tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng ở Calabria, một trong những khu vực nghèo nhất Tây Âu.
Hai cuộc đình công trên toàn Italy tháng 12/2023 đã phơi bày các vấn đề đang tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Các cuộc đình công kéo dài 24 giờ phản đối đề xuất của chính phủ nhằm giảm lương hưu đã khơi dậy tranh luận về các ca làm việc mệt mỏi và lương thấp trong bối cảnh nhiều nhân lực bỏ nghề.
Đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế rời đi. Tờ Guardian (Anh) ngày 16/1 cho biết hơn 11.000 nhân viên y tế Italy đã nghỉ việc khỏi hệ thống công kể từ năm 2021. Các bác sĩ là những anh hùng tuyến đầu khi đất nước hình chiếc ủng trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị nhấn chìm bởi COVID-19. Nhưng nhiều chuyên gia y tế bị căng thẳng đã nghỉ hưu sớm, chuyển sang khu vực tư nhân hoặc tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài.
Ở khu vực miền Nam kinh tế kém phát triển hơn của Italy, hệ thống y tế công cộng đã bị bỏ bê trong nhiều năm, trước cả đại dịch, với việc cắt giảm ngân sách khiến hàng chục bệnh viện phải đóng cửa. Mafia và tham nhũng cũng góp phần gây thiệt hại. Thị trấn Polistena tại vùng Calabria có dân số gần 10.000 người. Tuy nhiên, bệnh viện tại Polistena là một trong những bệnh viện hiếm hoi còn hoạt động trong khu vực, phục vụ 200.000 người ở các thị trấn trên khắp các tỉnh lân cận.
Để khắc phục vấn đề, chính quyền vùng Calabria đã kêu gọi Cuba hỗ trợ. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Cuba đã điều bác sĩ đến gần 40 quốc gia khắp 5 châu lục. Ngay cả những quốc gia giàu có như Andorra và Italy cũng chào đón nhân viên y tế Cuba tới hỗ trợ chống dịch.
Dưới sự lãnh đạo của cố Chủ tịch Fidel Castro, Cuba đã xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe khiến ngay cả các nước phát triển phải nể phục. Cuba hiện sở hữu tỷ lệ bác sĩ trên đầu người lớn nhất thế giới với 9 bác sĩ/1.000 dân. Kể từ năm 1959, Cuba đã gửi “đội quân áo trắng” tới những nơi xảy ra thảm họa và dịch bệnh khắp thế giới, trong tinh thần đoàn kết.
Gần 500 nhân viên y tế Cuba thuộc nhiều chuyên khoa, hiện đang có mặt rải rác khắp các bệnh viện ở vùng Calabria. Mười tám người trong nhóm này đang công tác ở Polistena.
Giám đốc bệnh viện Santa Maria degli Ungheresi – bà Francesca Liotta kể lại rằng ban đầu các bác sĩ Cuba phải đối mặt với hoài nghi từ đồng nghiệp người Italy. Nhưng điều đó đã thay đổi khi họ học tiếng Italy và làm quen với đồng nghiệp bản địa. Bà Liotta bộc bạch: “Tôi luôn nói điều này: họ đang cung cấp oxy cho chúng tôi”.
Về phần bác sĩ Fonseca, đây là lần đầu tiên anh làm việc ở châu Âu. Với 10 năm kinh nghiệm, Fonseca đã được cử đi công tác ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có hai năm ở Mauritania.
Fonseca bác bỏ cáo buộc cho rằng nhân viên y tế Cuba đang bị bóc lột. Anh khẳng định: “Chúng tôi ở đây vì có nguyện vọng. Chúng tôi được học hỏi và rút kinh nghiệm. Đó là một cuộc trao đổi hai chiều”.
Cho đến nay, việc triển khai bác sĩ Cuba ở Calabria đã chứng minh hiệu quả tốt và họ được kéo dài thời hạn làm việc đến ít nhất là năm 2025.
Tuy nhiên, bà Liotta cũng bày lo lắng về viễn cảnh khi các bác sĩ Cuba về nước: “Không có đủ bác sĩ vào làm việc trong hệ thống công. Tôi thấy những bác sĩ trẻ được chuẩn bị tốt nhưng kiệt sức. Các bác sĩ Cuba đã giúp vực dậy tinh thần đồng đội, nhưng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau năm 2025”.