Tối muộn 2/9, cảnh sát Trung Quốc gõ cửa nhà phóng viên người Australia Bill Birtles tại Bắc Kinh và Mike Smith tại Thượng Hải. Hai phóng viên của tờ Australian Financial Review (AFR) và kênh ABC này nhận được lệnh không được rời Trung Quốc và cần tham gia thẩm vấn do có liên quan tới vụ việc của nhà báo Australia Cheng Lei. Trước đó, Trung Quốc đã bắt giữ bắt giữ nhà báo Australia Cheng Lei vào ngày 14/8 với các buộc bà liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Cảnh sát lần lượt thẩm vấn Smith và Birtles, sau đó các quan chức ngoại giao Australia vào tối 7/9 đã đưa hai phóng viên thường trú này tới một sân bay tại Thượng Hải để quay trở về nước.
Tờ Guardian (Anh) nhận định rằng trong thời gian qua, khi Trung Quốc nảy sinh nhiều bất đồng với Mỹ, Australia…, việc tác nghiệp của phóng viên các hãng truyền thông những nước này tại Trung Quốc ngày càng gặp nhiều trở ngại.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng vụ việc của Birtles, Smith và bà Cheng dưới lùm xùm “an ninh quốc gia” gây lo ngại rằng Bắc Kinh đã phá vỡ quy tắc ngầm là tôn trọng sự hiện diện và tự do của báo chí nước ngoài. Nay Trung Quốc không chỉ trục xuất các nhà báo nước ngoài mà còn coi họ như quân bài mặc cả trong ngoại giao.
Cách đây vài tuần, giới chức Trung Quốc đã bắt và thẩm vấn một phóng viên của tờ Los Angeles Times khi cô đến khu tự trị Nội Mông tác nghiệp. Tính trong nửa đầu năm nay, có tới 17 nhà báo bị trục xuất khỏi Trung Quốc, bao gồm cả những người có kinh nghiệm làm việc cho các tờ báo danh tiếng Mỹ như New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal. Trong tháng 9, một số phóng viên Mỹ nhận được tin họ sẽ không được cấp mới thẻ nhà báo. Ngoài ra, lệnh cấm rời Trung Quốc đối với hai phóng viên Australia Birtles và Smith cũng được coi là biện pháp leo thang căng thẳng đối với các nhà báo thường trú tại nước này.
Các chuyên gia đánh giá có 2 yếu tố khiến Bắc Kinh có động thái khắt khe hơn với các phóng viên, nhà báo nước ngoài. Thứ nhất đó là đòn đáp trả.
Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 5 kênh thông tin của Chính phủ Trung Quốc bao gồm hãng thông tấn Xinhua, đài truyền hình Trung Quốc, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, China Daily và Nhân dân Nhật báo sẽ được coi như đại sứ quán nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc 5 kênh thông tin trên sẽ phải được Chính phủ Mỹ cho phép mới có thể mua hoặc thuê văn phòng, đồng thời phải báo cáo về thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngay lập tức, đến ngày 19/2, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rút thẻ hành nghề của ba nhà báo Tạp chí Phố Wall (Mỹ).
Vài ngày sau khi hai phóng viên thường trú của Australia trở về nước, truyền thông Trung Quốc liền đưa tin cho rằng chức Australia khám xét nhà phóng viên Trung Quốc trong tháng 6.
Một lý do khác được phóng viên thường trú của The Washington Post tại Bắc Kinh, Anna Fifield đưa ra là Bắc Kinh không còn cho rằng họ “tuân thủ quy định”. Các nhà báo nước ngoài từng được coi là hữu ích đối với Trung Quốc khi trở thành kết nối giữa nước này với doanh nghiệp và các nhà đầu tư thế giới. Nhưng điều này đã thay đổi.
Chuyên gia Richard McGregor tại Viện Lowy (Australia) cảnh báo rằng các quốc gia khác cũng nên theo dõi về trường hợp của các phóng viên Australia bởi trong tương lai họ có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự.