Theo đài CNN, trong tuần qua, khi tiến hành quy trình gia hạn thẻ nhà báo làm việc ở Trung Quốc, 7 phóng viên làm việc cho các hãng truyền thông của Mỹ chỉ nhận được thư thông báo rằng đơn đăng ký của họ đang được xem xét thay vì được nhận thẻ mới. Họ được khuyến cáo mang theo lá thư cùng với thẻ nhà báo đã hết hạn trong khi tác nghiệp để chứng minh thông tin cá nhân khi cần.
Vì thị thực Trung Quốc gắn liền với thẻ nhà báo nên các phóng viên này chỉ được cấp thị thực có giá trị trong khoảng 2 tháng, ngắn hơn nhiều so với thời hạn trước đó là 1 năm. Nhà chức trách Trung Quốc cũng lưu ý rằng giấy tờ chứng minh (ID) tạm thời, cũng như thị thực có liên quan, có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào, khiến các nhà báo rơi vào tình trạng hoang mang, họ không biết mình có thể làm việc tại Trung Quốc trong thời gian bao lâu.
Phóng viên người Mỹ thường trú tại Trung Quốc của đài CNN, David Culver, là một trong số những nhà báo đang bị ảnh hưởng bởi động thái mới nhất của Bắc Kinh. Dưới quy định này, các phóng viên bị ảnh hưởng cũng bao gồm cả công dân Mỹ và công dân nước ngoài làm việc cho một số hãng truyền thông lớn của Mỹ, trong đó có Wall Street Journal.
Phóng viên Culver được giới chức Trung Quốc cho biết hạn chế mới không liên quan gì đến việc đưa tin của anh, mà đây là “biện pháp đáp trả tương xứng” với cách chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm với các nhà báo Trung Quốc đang tác nghiệp tại Mỹ.
“Một trong những nhà báo của chúng tôi tại Bắc Kinh đã được cấp thị thực chỉ có giá trị trong 2 tháng, thay vì 12 tháng như thông thường. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng tôi ở Trung Quốc vẫn không thay đổi và chúng tôi đang tiếp tục làm việc với nước sở tại về vấn đề này”, người phát ngôn của CNN, nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 6/9 các nhà ngoại giao của họ ở Bắc Kinh gần đây đã thông báo về việc Trung Quốc sắp triển khai các biện pháp nhằm vào truyền thông của Mỹ ở Trung Quốc.
“Dĩ nhiên Mỹ sẽ gặp rắc rối với những biện pháp đáp trả này của Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc ở Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh chứng minh rằng họ đang lo sợ các phương tiện truyền thông điều tra và đưa tin khiến thế giới ngày càng hiểu rõ hơn về Trung Quốc", ông Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Hồi tháng 5, Washington đã rút ngắn thời gian lưu trú của hầu hết phóng viên Trung Quốc tại Mỹ còn 90 ngày. Đây là quyết định mà các phóng viên Trung Quốc phản ánh rằng đã làm gián đoạn nghiêm trọng công việc và sinh hoạt hàng ngày của họ ở Mỹ. Nếu không được gia hạn, những phóng viên này của Trung Quốc sẽ phải rời Mỹ vào đầu tháng 11.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 3/9 cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục các hành động gây sức ép với truyền thông Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả cứng rắn.
Đầu năm nay, Bắc Kinh đã trục xuất hơn 10 phóng viên của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal sau khi Washington giới hạn số công dân Trung Quốc được làm việc tại các văn phòng truyền thông quốc gia của Trung Quốc tại Mỹ.
Trong một cuộc họp báo trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương David Stiwell cho rằng các động thái đáp trả của Bắc Kinh nhắm vào truyền thông Mỹ là đòn trả đũa “hoàn toàn không tương xứng với mong muốn đơn giản của Mỹ là cân bằng mối quan hệ này”.