Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét có áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu với các hãng chế tạo chip hàng đầu của Trung Quốc hay không. Đây là động thái mà nếu được triển khai trên thực tế có thể sẽ là cú đánh mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh về tự chủ trong các ngành công nghệ thiết yếu.
Các cơ quan chức năng Mỹ đang thảo luận về khả năng đưa Tập đoàn Sản xuất Vật liệu Bán dẫn Quốc tế (SMIC) của Trung Quốc vào danh sách các thực thể thuộc diện trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ. Đây cũng chính là bước đi mà giới chức Mỹ đã làm với tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Quyết định trừng phạt của Mỹ cùng với biện pháp sau đó về bịt lỗ hổng, hạn chế xuất khẩu đã gây ra nguy cơ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Huawei, làm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
Bất kỳ quyết định hạn chế xuất khẩu nào nhằm vào SMIC cũng đánh dấu bước leo thang lớn của chính quyền Mỹ với các công ty công nghệ của Trung Quốc. Nó cũng gây thiệt hại cho nhiều công ty Mỹ, những hãng bán hàng tỉ USD thành phẩm về công nghệ bán dẫn cho các nhà chế tạo Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết một nội dung nổi cộm hiện nay chính là xác định xem SMIC có hỗ trợ ngành quốc phòng của Trung Quốc hay không. Một báo cáo nghiên cứu được nhà thầu quốc phòng Mỹ SOS International LLC công bố, lưu hành tháng trước trong giới chức Mỹ khẳng định SMIC có mối liên hệ với các thực thể thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Theo SOS International LLC, SMIC đã từng hợp tác với một trong những tập đoàn quốc phòng lớn nhất Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu tại các trường đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc đã thay đổi công việc chuyên môn để phù hợp với công nghệ do SMIC cung cấp.
“Một loạt các trường đại học thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cùng giới nghiên cứu tại các tổ hợp công nghiệp quốc phòng sử dụng bộ vi xử lý và chip của SMIC để thực hiện các nghiên cứu. Đây là dấu hiệu cho thấy nghiên cứu này được triển khai để thích ứng với các tiêu chí sản xuất cụ thể của SMIC”, báo cáo nêu rõ.
Về phần mình, người phát ngôn của SMIC phủ nhận thông tin mà SOS International LLC đưa ra, khẳng định SMIC tuân thủ tuyệt đối cam kết không phục vụ mục đích quân sự kể từ thời điểm thành lập công ty.
Đến ngày 5/9, tập đoàn này cho đăng thông báo dài trên tài khoản mạng xã hội Wechat, nói rằng hãng chỉ chế tạo sản phẩm bán dẫn cho mục đích dân sự và thương mại và cho biết sẵn sàng trao đổi chân thành, minh bạch với các cơ quan chức năng của Mỹ để xử lý những điểm có thể gây hiểu nhầm.
SMIC đưa ra phản ứng trên sau khi hãng tin Reuters cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ cùng với các cơ quan chức năng khác đang trao đổi, phối hợp với nhau để quyết định có đưa SMIC vào danh sách trừng phạt hay không.
Được thành lập năm 2020, SMIC đã phát triển và trở thành tập đoàn chế tạo chip lớn nhất của Trung Quốc và từng có thời gian là hãng sản xuất lớn cho các công ty chip của Mỹ. SMIC sau đó thiên về phát triển nội địa, gắn với việc Trung Quốc chuyển hướng, đầu tư hãng tỉ USD cho phát triển lĩnh vực công nghệ then chốt này. Huawei là khách hàng lớn nhất của SMIC, với 20% chip được mua từ SMIC trong năm 2019.
Như phần lớn các hãng chế tạo chip khác, SMIC phụ thuộc vào công nghệ chế tạo phục vụ xây dựng và thử nghiệm chip. Các công ty Mỹ chiếm 45% thị trường thiết bị chip toàn cầu. Theo giới chuyên gia phân tích trong ngành, đối với một một số công nghệ, thiết bị vi xử lý có tính chuyên biệt, độ phức tạp cao, các công ty của Mỹ là người đi đầu, với sản phẩm không thể thay thế.