Trung Quốc giải thích việc 2 phóng viên Australia bị thẩm vấn và phải về nước

Phía Trung Quốc đã lên tiếng về trường hợp hai phóng viên thường trú của Australia đã nhanh chóng bay về nước không lâu sau khi bị lực lượng an ninh nước sở tại thẩm vấn.

Chú thích ảnh
Hai phóng viên Australia Michael Smith (trái) và Bill Birtles. Ảnh: The New York Times

Australia rất quan ngại về việc hai phóng viên của nước này, ông Bill Birtles thường trú tại Bắc Kinh và ông Michael Smith làm việc ở Thượng Hải, phải đột ngột về nước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1972 không có một nhà báo được cấp phép nào của Australia làm việc tại Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo ngày 8/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết đã bắt giữ nhà báo Australia Cheng Lei ngày 14/8 về vấn đề an ninh quốc gia và vụ việc này cũng liên quan đến trường hợp hai phóng viên thường trú của Australia phải về nước.

Giới chức Australia đã nắm được thông tin về vụ bắt giữ bà Cheng Lei – công dân nước này hiện làm người dẫn chương trình cho kênh truyền hình Toàn cầu của Trung Quốc. Phía Australia đã có thể trao đổi với bà Cheng Lei tại nơi tạm giữ qua video vào cuối tháng 8.

Hai phóng viên thường trú Australia là Bill Birtles tại kênh ABC và Michael Smith từ tờ Australian Financial Review (AFR) sau đó bị cơ quan an ninh Trung Quốc thẩm vấn, động thái nằm trong cuộc điều tra bà Cheng. Hai phóng viên này sau khi bị thẩm vấn đã lên máy bay rời Trung Quốc vào ngày 7/9.

Chú thích ảnh
Công dân Australia Cheng Lei. Ảnh: BBC

Ông Triệu Lập Kiên nói về việc thẩm vấn hai phóng viên thường trú Australia: “Khi ở Trung Quốc các bạn phải tuân thủ luật lệ, quy định của nước chúng tôi. Nếu các phóng viên nước ngoài tác nghiệp theo đúng luật thì không có gì phải lo lắng”.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết tối 2/9, có 7 cảnh sát Trung Quốc đến nhà Smith, ghi hình và đọc thông báo ông liên quan một cuộc điều tra an ninh quốc gia. Tối 2/9, cảnh sát Trung Quốc cũng đến nhà Birtles. Cảnh sát Trung Quốc thông báo với Birtles cùng Smith rằng họ tạm thời không được xuất cảnh.

Sau đó hai phóng viên này liền đến Đại sứ quán Australia tại Bắc Kinh và Lãnh sự quán tại Thượng Hải trong vài ngày khi các nhà ngoại giao Australia đàm phán với Bắc Kinh để cho phép họ rời Trung Quốc.

Đến ngày 6/9, phía lực lượng an ninh thẩm vấn Birtles. Có mặt cùng phóng viên này là Đại sứ Australia tại Trung Quốc Graham Fletcher. Phía Trung Quốc đồng ý cho Birtles rời nước này nếu ông đồng ý trả lời thẩm vấn.

Smith vào chiều 7/9 được hộ tống đến một khách sạn ở Thượng Hải để lực lượng an ninh Trung Quốc thẩm vấn trong 1 tiếng đồng hồ về vụ việc bà Cheng.

Sau đó các quan chức ngoại giao Australia vào tối 7/9 đã đưa hai phóng viên thường trú này tới một sân bay tại Thượng Hải để quay trở về nước.

Khi quay trở về Australia, Birtles chia sẻ: “Tôi biết Cheng Lei nhưng không quá thân thiết trong khi Mike Smith ở Thượng Hải mới chỉ gặp bà ấy một lần trong đời. Điều này mang tính chính trị và dường như là đối đầu ngoại giao trong quan hệ Australia-Trung Quốc thay vì liên quan đến vụ việc của Cheng Lei”.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 8/9 chia sẻ với truyền thông rằng diễn biến liên quan đến hai phóng viên nước này tại Trung Quốc “là một trong chuỗi những sự kiện đáng thất vọng”.

Reuters cho biết quan hệ Bắc Kinh-Canberra trong thời gian qua nảy sinh bất đồng xuất phát từ việc Australia đề nghị điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19. Australia khẳng định rằng cuộc điều tra này không nhắm đến Trung Quốc về mặt chính trị.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay sản phẩm của Australia. Trung Quốc còn ngưng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà máy chế biến thịt lớn nhất của Australia đồng thời áp đặt mức thuế cao hơn với lúa mạch nhập khẩu từ nước này.

Ngày 5/6, Trung Quốc đề nghị công dân tránh du lịch đến Australia viện dẫn tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực nhắm đến người dân Trung Quốc do dịch COVID-19. Australia đã không đồng tình với khuyến cáo này.

Hà Linh/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: Australia gia hạn lệnh cấm đi ra nước ngoài
Dịch COVID-19: Australia gia hạn lệnh cấm đi ra nước ngoài

Chính phủ Australia ngày 3/9 đã quyết định gia hạn lệnh cấm đi ra nước ngoài và du thuyền quốc tế cập cảng nước này đến giữa tháng 12 tới do lo ngại về những rủi ro mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở trong nước và nước ngoài gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN