Kênh ABC News dẫn nguồn tin là một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết 12 quốc gia đã đồng ý cung cấp cho Ukraine khoảng 100 xe tăng Leopard 2 nếu chính phủ Đức đồng ý,
Theo nguồn tin trên, thoả thuận liên quan đã được đưa ra tại hội nghị diễn ra ở căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức khi các quốc gia đồng minh tề tựu về đây để thảo luận việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ngoài các quốc gia như Ba Lan và Phần Lan đã công khai bày tỏ rằng họ sẵn sàng cung cấp một số xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, nguồn tin cho hay Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch cũng sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một số xe tăng.
Theo nguồn tin, xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất rất cần thiết cho Ukraine vì kho đạn dành cho xe tăng thời Liên Xô đang "cạn kiệt". Trong khi dó, Ukraine không thể sản xuất loại đạn mới cho những chiếc xe tăng thời Liên Xô này, vì vậy, Kiev buộc phải tìm một giải pháp thay thế.
Đầu tháng 1, Anh đã thực hiện một cử chỉ mang tính biểu tượng bằng cách cam kết cung cấp 14 chiếc xe tăng Challenger 2 cho Ukraine.
Động thái này là một nỗ lực của chính phủ Anh nhằm thuyết phục Berlin cung cấp xe tăng Leopards 2 cho Ukraine và theo nguồn tin, mọi chuyện bắt đầu trở nên thực tế sau quyết định liên quan của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức chế tạo, được trang bị cho cho quân đội các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên khắp châu Âu và được các chuyên gia quốc phòng đánh giá là phù hợp nhất cho Ukraine, nhưng để tái xuất sang Ukraine, chúng cần có sự cho phép của Berlin.
Gần đây, một số nước phương Tây, nhất là Ba Lan liên tục thúc giục Berlin cho phép nước này và các nước khác gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.
Ngày 23/1, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Arkadiusz Mularczyk cho biết trên Đài phát thanh Ba Lan rằng Đức có thể phải đối mặt với "sự cô lập quốc tế" trừ khi nước này đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Ông Mularczyk nhấn mạnh nhiều chính trị gia ở Đức cũng như tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác ủng hộ ý tưởng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kiev và nếu Đức tiếp tục lưỡng lực, vị thế quốc tế của nước này sẽ trở nên “rất yếu”.
Theo hãng tin AP của Mỹ ngày 23/1, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã nói với kênh truyền hình Pháp LCI rằng Ba Lan chưa chính thức yêu cầu Berlin về việc cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard do Đức chế tạo, nhưng “nếu được yêu cầu, chúng tôi (Đức) sẽ không cản trở".
Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.