Theo đài RT (Nga), trong bài bình luận đăng tải trên trang Laga hôm 17/7, Bộ trưởng Reznikov tuyên bố Điều 17 của Hiến pháp Ukraine quy định cấm đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
“Đương nhiên, nếu cần, chúng ta có thể dùng thuật ngữ như ‘trung tâm hợp tác và trao đổi kinh nghiệm’ thay vì từ ‘căn cứ’. Nhưng làm vậy để làm gì? Chúng ta cần loại bỏ hạn chế này để không tạo cơ hội cho những đồn đoán”, ông Reznikov nói.
Vị quan chức này cũng kêu gọi sửa đổi Hiến pháp Ukraine bằng cách thêm một điều khoản rằng Kiev “sẽ độc lập lựa chọn các cơ chế để đảm bảo an ninh của riêng mình, bao gồm cả việc tham gia các hiệp ước và tổ chức quốc tế”, điều này sẽ thể hiện rõ ràng mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO được ghi nhận trong lời mở đầu hiến pháp.
Điều 17 của Hiến pháp Ukraine cũng nghiêm cấm rõ ràng việc sử dụng quân đội “để hạn chế các quyền và tự do của công dân” và cấm “thành lập và hoạt động bất kỳ đơn vị vũ trang nào không được pháp luật quy định”.
Từng là luật sư trước khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 11/2021, ông Reznikov cho biết vào thời điểm đó, ông đã công khai tuyên bố gia nhập NATO sẽ là mục tiêu chính sách của mình. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước ở Litva đã đạt được điều đó.
Ông Reznikov lập luận rằng việc loại bỏ “Kế hoạch hành động thành viên” và thành lập Hội đồng NATO - Ukraine là giai đoạn chuyển tiếp để Ukraine gia nhập khối.
“Tư cách thành viên chính thức là vấn đề về ý chí chính trị của các đối tác của chúng tôi, dựa trên sự đồng thuận. Điều này có thể không phụ thuộc vào những gì Ukraine làm hay không làm,” ông nói thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích NATO vì không đưa ra lộ trình rõ ràng hay lời mời chính thức gia nhập khối cho Kiev. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan giải thích rằng việc cho phép Ukraine gia nhập liên minh vào lúc này sẽ lôi kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Giới chức Anh và Mỹ đã tức giận trước những tuyên bố của ông Zelensky. Họ cho rằng nhà lãnh đạo Ukraine không thể hiện lòng biết ơn đối với hàng tỷ USD viện trợ quân sự mà phương Tây cung cấp cho Kiev.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh NATO đã cungc ấp cho Kiev khoản viện trợ hơn 100 triệu USD gồm vũ khí, đạn dược, khí tài. Tuy nhiên, NATO khẳng định họ chỉ hỗ trợ cho Ukraine đối phó Nga, không phải là một bên tham gia cuộc chiến.
Về phần mình, hôm 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh đối với Moskva. Theo nhà lãnh đạo Nga, nếu Ukraine gia nhập NATO thì điều này sẽ không giúp họ tăng cường an ninh, trong khi khiến thế giới thêm bất ổn và gây thêm căng thẳng trên trường quốc tế.
“Chúng tôi nhiều lần khẳng định rằng việc cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Trên thực tế, một trong những lý do dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là mối đe dọa từ việc Ukraine gia nhập NATO”, ông Putin nhấn mạnh.