Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Vụ các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried sẽ tới Kiev (Ukraine) và Moskva (Nga) từ ngày 13-15/12”. Thông báo của bộ này cũng nhấn mạnh các bên “có thể đạt được tiến triển về mặt ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột tại Donbass thông qua việc thực thi các thỏa thuận Minsk, ủng hộ định dạng Normandy”.
Cùng ngày, bên lề Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Anh, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố G7 đã nhất rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới tình hình Ukraine, các bên cần trở lại bàn đàm phán. Ngoại trưởng Baerbock nêu rõ: "Chúng ta cần phải đưa ra mọi hành động để trở lại với đối thoại". Bà đề cập tới những cơ hội như định dạng Normandy, bao gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thảo luận về tình hình Ukraine. Điện Kremlin cho biết việc thực hiện các thỏa thuận Minsk năm 2015 là nội dung chủ yếu trong cuộc hội đàm này. Trước những bình luận của Tổng thống Mỹ về hoạt động di chuyển của quân đội Nga tại khu vực biên giới giáp Ukraine, Tổng thống Nga Putin cho rằng NATO đang “thực hiện những nỗ lực nguy hiểm” và “đang tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga”. Do đó, Nga “thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo đáng tin cậy và ràng buộc về pháp lý, loại trừ việc NATO mở rộng về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp với Nga”.
Trong khi đó, thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề Ukraine, thể hiện rõ quan điểm rằng Mỹ và các đồng minh sẽ có các biện pháp kinh tế và mạnh mẽ khác trong trường hợp leo thang quân sự. Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi giảm leo thang và nhấn mạnh tới các biện pháp ngoại giao.