Thế giới tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ - Nga chưa đạt đột phá; Mỹ - Trung căng thẳng quanh Olympic Bắc Kinh

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden không có đột phá và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang liên quan đến việc Washington không cử đại diện ngoại giao đến Olympic Bắc Kinh 2022 là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Mỹ và Nga tung bay gần một nhà máy ở Vsevolozhsk, vùng Leningrad, Nga năm 2019. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga chưa đạt đột phá

Sáng ngày 8/12 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ mà chưa thể giải quyết các vấn đề bất đồng đang khiến mối quan hệ hai nước đang trên đà leo thang, đặc biệt là điểm nóng Ukraine.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi hàng loạt vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương, như cuộc xung đột tại Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông đồng thời tăng cường triển khai lực lượng và vũ khí sát biên giới Nga, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”. Đây đều là những chủ đề vốn gây căng thẳng và khiến quan hệ hai nước xuống đến mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Có thể nói phủ bóng trong cuộc họp là cuộc khủng hoảng tại Ukraine – nơi Mỹ và phương Tây nhiều tuần qua cáo buộc Nga tăng cường lực lượng để thực hiện một cuộc chiến tại Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi cảnh báo cứng rắn tới nhà lãnh đạo Nga trong cuộc gặp về Ukraine, đe doạ sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế cùng các biện pháp mạnh khác trong trường hợp xảy ra leo thang quân sự. 

Về phần mình, Tổng thống Nga nhắc lại quan điểm của Moskva, cho rằng việc Mỹ và NATO tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga là một thách thức nghiêm trọng và NATO đang “thực hiện những nỗ lực nguy hiểm”. Do đó, Nga “thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo đáng tin cậy và ràng buộc về pháp lý, loại trừ việc NATO mở rộng về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp với Nga”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nhận định cuộc gặp này sẽ xoa dịu được cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngay tức thì, khi cả hai bên đều vạch các “lằn ranh đỏ” rất rõ ràng về tình hình Ukraine. Tuy nhiên, cuộc hội đàm này cũng cho thấy xu thế đối thoại vẫn đang được duy trì trong quan hệ Nga - Mỹ. Điều này có thể giúp kiểm soát hiệu quả các bất đồng, tránh những sự cố không cần thiết. Một mối quan hệ ổn định không chỉ giúp lãnh đạo hai nước đạt được mục tiêu riêng, mà còn được xem là tín hiệu tích cực với an ninh thế giới.

Chuyên gia Andrey Bystritskiy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ phát triển và hỗ trợ, Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, nhận định trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng như hiện nay, thông điệp quan trọng nhất qua cuộc hội đàm chính là hai bên sẵn sàng đối thoại, đàm phán, tham vấn. Điều đó giúp hai bên có thể thiết lập phương thức đối thoại trong mọi lĩnh vực để có thể giải quyết bất đồng. 

Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang giữa làn sóng tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh

Chú thích ảnh
Logo Bắc Kinh 2022 bên ngoài trụ sở của Ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Công viên Shougang, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Kênh CNN ngày 6/12 đưa tin Chính quyền Tổng thống Joe Biden chính thức tuyên bố Washington sẽ không cử đại diện ngoại giao tới Thế vận hội mùa Đông 2022, dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Theo thông lệ, Nhà Trắng thường cử một đoàn đại biểu tới dự lễ khai mạc và bế mạc sự kiện này.

Phát biểu với báo chí, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các vận động viên Mỹ vẫn sẽ sang Bắc Kinh dự Thế vận hội này và họ sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ quê nhà. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đã thông báo cho các đồng minh về quyết định của mình. 

Ngay đó, Australia và Canada cũng thông báo quan chức nước này sẽ không đến dự Olympic Bắc Kinh 2022, nhưng các vận động viên vẫn sẽ tham gia thi đấu. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết sẽ không có một thành viên nội các nào trong chính phủ tham dự sự kiện thể thao này và ông gọi đây là hình thức tẩy chay ngoại giao hiệu quả. Giới chức Lithuania (Litva) tuyên bố họ cũng sẽ có động thái tương tự.

Trước làn sóng tẩy chay ngày càng gia tăng, Trung Quốc cảnh báo Australia, Anh và Mỹ sẽ phải trả giá cho những hành động sai lầm với quyết định này.

Trong khi đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố tổ chức này tôn trọng quyết định của Mỹ. Tổ chức này nêu rõ sự hiện diện của các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao là một quyết định chính trị thuần túy đối với mỗi chính phủ và IOC tôn trọng quyết định này với tư cách là một tổ chức hoàn toàn trung lập về chính trị.

Kênh CNN nhận định việc thiếu vắng đoàn ngoại giao Mỹ tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 nhiều khả năng sẽ không làm Trung Quốc quá lo ngại, tuy nhiên điều đáng lo hơn rủi ro nhiều nước khác sẽ hưởng ứng và đồng loạt tẩy chay ngoại giao sự kiện này.

Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Pháp, Jean-Michel Blanquer, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng Paris sẽ không đi theo con đường của Mỹ.

“Chúng ta cần phải thận trọng về mối liên hệ giữa thể thao và chính trị. Thể thao là một thế giới riêng biệt cần bảo vệ trước sự can thiệp chính trị. Nếu không, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và nó có thể huỷ hoại tất cả các cuộc thi đấu”, ông Blanquer nói.

Động thái tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 của Mỹ và các đồng minh là một bước lùi trong quan hệ Mỹ - Trung, sau thời gian dài chìm trong căng thẳng với hàng loạt các bất đồng về thương mại, quân sự và vấn đề nhân quyền.

Hải Vân/Báo Tin tức
Pháp có thể mất thêm hợp đồng đóng tàu nhiều tỉ đô vào tay Mỹ
Pháp có thể mất thêm hợp đồng đóng tàu nhiều tỉ đô vào tay Mỹ

Mỹ đã thông qua một thương vụ bán vũ khí lớn cho Hy Lạp, cung cấp bốn khinh hạm mới và một gói hiện đại hóa tổng trị giá tới 9,4 tỷ USD, trực tiếp thách thức một thỏa thuận sơ bộ tương tự mà Pháp và Athens từng công bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN