Trung Quốc lại trở về đường hướng lấy ổn định kinh tế làm ưu tiên

Giới lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ giữ tăng trưởng ổn định sau một loạt các chính sách của chính phủ về kiểm soát nguy cơ đã kích hoạt mức suy giảm kinh tế lớn.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị Kinh tế Trung ương Trung Quốc hôm 10/12/2021. Ảnh: AP

Trung Quốc sẽ hướng nguồn lực tập trung cho duy trì tăng trưởng ổn định sau khi ghi nhận mức suy giảm kinh tế lớn, đến từ việc chính phủ nước này triển khai một loạt các biện pháp mạnh tay nhằm kiểm soát nợ và đầu cơ, nhất là trong ngành bất động sản. “Bảo đảm ổn định là ưu tiên hàng đầu đối với nền kinh tế”, giới lãnh đạo Trung Quốc nêu quan điểm trong thông cáo được đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị Kinh tế Trung ương hôm 10/12.

Chính phủ Trung Quốc sẽ giữ tốc độ tăng trưởng “ở mức hợp lý” trong năm 2022. Thông thường, giới lãnh đạo Trung Quốc hay đặt ra mục tiêu ưu tiên kinh tế cho năm tiếp theo tại tại hội nghị này, nhưng không công bố chi tiết về các chỉ tiêu. Số liệu và chỉ tiêu đó sẽ được đề cập tại phiên họp của Quốc hội Trung Quốc diễn ra vào tháng 3 hàng năm.

Sau khi ban hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế, xử lý vấn đề nợ và các hành vi mang tính đầu cơ, Bắc Kinh trong vài tuần trở lại đây đã tung ra một loạt những biện pháp, quy định mới nhưng ở hướng đối lập – đó là nới lỏng tài chính, tiền tệ. Nó bao gồm quyết định cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, nới lỏng chính sách về bất động sản, với mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng. Dịch chuyển mới này diễn ra trước thềm Olympic mùa đông Bắc Kinh năm 2022 (2/2022) cũng như kỳ Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2022.

Cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc được thực hiện chỉ sau vài tuần Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phát đi thông điệp sẽ hạn chế thực hiện những bước đi như vậy. Còn theo thông cáo được đăng tải trên mạng Tân hoa xã về kết quả Hội nghị kinh tế Trung ương năm 2021, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ “thận trọng” kết hợp với chính sách tài khóa chủ động hơn.

Chính phủ cũng sẽ công bố các quy định về giãn, giảm thuế, giảm phí cho các công ty doanh nghiệp và phát triển đầu tư hạ tầng trong năm tới. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ ủng hộ nhu cầu chính đáng của người mua nhà, đẩy nhanh công tác xây dựng, phát triển quỹ nhà ở, với quan điểm “nhà là nơi để sống, chứ không phải để đầu cơ”.

Dù phục hồi mạnh mẽ trở lại sau thời gian suy thoái vì đại dịch COVID-19 đầu năm 2020, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện tín hiệu suy yếu nhanh trong quý 3 năm nay. Đà tăng trưởng chậm lại này là do cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều ổ dịch COVID-19 xuất hiện trên cả nước, khủng hoảng điện năng quy mô toàn quốc và mới nhất là sự suy thoái của ngành bất động sản trước nguy cơ khủng hoảng nợ đến từ các tập đoàn lớn như Evergrande Group.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể rơi xuống mức 4,5-5,5% trong năm 2022 so với mức 8% trong năm nay. Giới chức Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng trước “3 sức ép” mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp phải, gồm cầu tiêu dùng giảm, cú sốc về nguồn cung cũng như suy giảm kỳ vọng, trong bối cảnh môi trường bên ngoài diễn biến phức tạp, khó lường hơn.

Nguy cơ lớn nhất mà kinh tế Trung Quốc gặp phải chính là bước dịch chuyển từ “tăng trưởng nóng” năm 2021 sang “tăng trưởng thấp” trong năm 2022. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ngày 8/12 vừa qua đã đề xuất chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, lạm phát 3% cho năm 2022.

Nhìn lại một năm qua, nhà điều hành Trung Quốc đã triển khai một loại các đợt chỉnh huấn nhằm kiểm soát nợ, đánh mạnh vào các ông lớn công nghệ như tập đoàn Ant cũng như các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục-đạo tạo hay bất động sản. Giới hoạch định chính sách cho rằng những biện pháp mạnh tay như vậy là cần thiết để bảo đảm phân phối công bằng thu nhập, tài sản, loại trừ các hành vi đầu cơ vốn sẽ trở thành nguy cơ với kinh tế  Trung Quốc nếu không được xử lý rốt ráo.

Giới kinh tế đa phần đều nhận định Trung Quốc sẽ không từ bỏ các chính sách hướng đến mục tiêu cải tổ về cấu trúc, từ chuyển dịch năng lượng cho tới giảm phát bong bóng nhà đất. Vì thể, Bắc Kinh đang phải xử lý hài hòa giữa nguy cơ tài chính ngắn hạn với hỗ trợ tăng trưởng. “Mục tiêu dài hạn không đổi. Nhưng chính phủ có thể đi một bước lùi nhỏ năm 2022, để tránh những tổn thất lớn ngoài dự kiến”, Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pinpoint Asset Management, bình luận.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, tại sao đồng nhân dân tệ vẫn mạnh hơn USD?
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, tại sao đồng nhân dân tệ vẫn mạnh hơn USD?

Trung Quốc đang trải qua thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng đồng nhân dân tệ lại hiếm khi nào mạnh như bây giờ. Đồng nhân dân tệ cũng có một năm tốt hơn cả đồng USD ngay cả khi FED tăng lãi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN