Dẫn lời một quan chức giấu tên, đài truyền hình CNN cho biết lực lượng Houthi vẫn duy trì phần lớn khả năng tấn công các tàu trên Biển Đỏ.
Bất chấp hàng loạt cuộc tấn công vào tuần trước, bao gồm 150 tên lửa dẫn đường chính xác bắn trúng gần 30 địa điểm, lực lượng Houthi vẫn còn khoảng 3/4 năng lực tấn công nhắm vào các tàu thương mại trên tuyến đường vận chuyển quốc tế ở phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Xem video Mỹ, Anh không kích các mục tiêu Houthi ở Yemen (nguồn: Bộ Quốc phòng Anh):
Điều này càng được thể hiện rõ ràng trong ngày 15/1, khi tên lửa của Houthi bắn trúng một tàu chở hàng của Mỹ ở Biển Đỏ, đánh dấu lần đầu tiên lực lượng ở Yemen tấn công thành công một tàu do Mỹ sở hữu hoặc vận hành.
Theo quan chức Mỹ, các cuộc không kích đã thành công như dự định khi phá hủy và làm hư hại 93% các mục tiêu lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ thừa nhận các cuộc không kích đã không cản trở được năng lực tấn công vận tải biển quốc tế của nhóm Houthi.
“Thông điệp đã được gửi đi. Chúng tôi lường trước được sẽ có những hành động đáp trả và chúng tôi cũng không tin rằng mình đã đẩy lui được nỗ lực của Houthi”, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đánh giá về các cuộc tấn công.
Những nhận định này dường như khá trái ngược so với những tuyên bố trước đó của chính phủ Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 12/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết: “Các cuộc không kích đã được lập kế hoạch để phá vỡ và làm suy giảm khả năng quân sự của Houthi.”
Lầu Năm Góc chỉ rõ Mỹ đã tấn công gần 60 mục tiêu Houthi, bao gồm các nút chỉ huy và kiểm soát, đạn dược, hệ thống phóng, cơ sở sản xuất và hệ thống radar phòng không, nhằm gây khó khăn hơn cho lực lượng Houthi khi tấn công các tàu ở Biển Đỏ. Cũng theo chủ đích ban đầu, các cuộc không kích này không gây nhiều thương vong cho lực lượng Houthi.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ông sẽ không ngần ngại chỉ đạo các biện pháp tiếp theo để bảo vệ người dân và dòng chảy tự do thương mại quốc tế khi cần thiết.
Những hạn chế trong phạm vi không kích cũng đã phần nào cho thấy tình thế nghẹt thở mà chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt ở Trung Đông.
Washington luôn thận trọng tìm cách tránh một kịch bản trong đó các cuộc tấn công của Houthi leo thang thành một mặt trận thứ hai bên cạnh cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas.
Kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhằm vào các tàu đi qua tuyến vận tải hàng hải quốc tế nhằm thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine và đáp trả chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.
Những cuộc tấn công đó đang làm gián đoạn thương mại toàn cầu, buộc một số công ty vận tải biển lớn nhất thế giới phải tránh tuyến đường thường ngày, thay vào đó là kéo dài hành trình thêm vài nghìn kilomet và tốn thêm hàng triệu USD chi phí khi đi qua Mũi Hảo Vọng, châu Phi.
Các nhà phân tích tin rằng việc gián đoạn hoạt động vận tải trên đường biển nối với Kênh đào Suez có thể làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa sản xuất tăng cao vào thời điểm quan trọng các nước đang chiến đấu với tình trạng lạm phát. Kênh đào Suez chiếm 10% đến 15% thương mại thế giới, bao gồm xuất khẩu dầu và 30% khối lượng vận chuyển container toàn cầu.