Theo hãng tin Bloomberg, các cuộc tấn công vào tàu chở hàng của lực lượng Houthi nhằm thể hiện sự ủng hộ với người Palestine đã làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu và báo động cho các cường quốc phương Tây về sự lan rộng ra toàn khu vực từ cuộc chiến kéo dài hơn ba tháng của Israel với Hamas ở Gaza.
Dẫn một nguồn tin cấp cao, hãng Reuters đưa QatarEnergy, thuộc sở hữu nhà nước, đã giữ lại ít nhất 4 tàu chở dầu LNG để các tàu không đi qua Biển Đỏ, đồng thời cho biết thêm hoạt động sản xuất vẫn sẽ tiếp tục. Dữ liệu theo dõi tàu LSEG cho thấy các tàu Al Ghariya, Al Huwaila và Al Nuaman của Qatar đã nạp hàng hoá LNG tại Ras Laffan và đang hướng đến Kênh đào Suez trước khi dừng lại ở Oman vào ngày 14/1. Tàu Al Rekayyat đang quay trở lại Qatar sau khi quyết định dừng hành trình Biển Đỏ vào ngày 13/1.
Nguồn tin tiết lộ: “Đây là quyết định tạm thời trước các khuyến cáo an ninh. Nếu việc đi qua Biển Đỏ vẫn không an toàn, chúng tôi sẽ đi qua Mũi Hảo Vọng”. Tuyến đường vòng quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi có thể kéo dài hànhtrình thêm khoảng 9 ngày so với chuyến đi thông thường kéo dài 18 ngày tới châu Âu quan Biển Đỏ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ, Anh thực hiện hàng chục cuộc tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen. Đồng minh của Mỹ là Anh cho biết họ không muốn tham gia vào cuộc xung đột ở Biển Đỏ nhưng cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải. Về phần mình, Houthi đã chuyển mục tiêu sang Biển Đỏ như một cách để gây áp lực lên Israel.
Cuối ngày 14/2, quân đội Mỹ cho biết máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ một tên lửa hành trình chống hạm do Houthi bắn về phía một tàu khu trục của Mỹ. Không có thương tích hoặc thiệt hại nào được ghi nhận.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/1, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Suzuki cho biết việc sản xuất sẽ tạm dừng tại nhà máy Esztergom ở Hungary từ ngày 15 đến ngày 21/1 do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn việc cung cấp động cơ do Nhật Bản sản xuất.
Biển Đỏ được nối với Địa Trung Hải bởi kênh đào Suez, tạo ra tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, đồng thời kết nối với Vịnh Aden bằng eo biển Bab-al-Mandab nằm giữa Yemen và Djibouti. Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển thế giới đi qua kênh đào này.
Trong ngày 15/1, mặc dù nguồn cung dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng song giá dầu vẫn giảm, sau khi tăng 2% vào tuần trước do sự gián đoạn tiềm ẩn xuất phát từ xung đột.