Theo đó, chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ sáu liên tiếp sau khi chỉ số Nikkei-225 vượt ngưỡng 35.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 1990 vào tuần trước. Sang phiên đầu tuần này, Nikkei-225 tiếp tục tăng 0,91% (tương đương 324,68 điểm) và kết thúc ở mức 35.901,79 điểm.
Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc phiên này với mức giảm nhẹ do lo ngại kéo dài về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, chứng khoán Thượng Hải có được mức tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) quyết định không cắt giảm lãi suất ngắn hạn mà bơm hàng tỷ USD vào thị trường tài chính.
Theo đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,17% (28,25 điểm) xuống 16.216,33 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,15% (4,31 điểm) lên 2.886,29 điểm.
Báo cáo công bố hôm 12/1 cho thấy giá sản xuất của Mỹ đã giảm lần thứ ba liên tiếp vào tháng 12/2023, đồng thời ghi nhận mức giảm cao nhất kể từ năm 2020. Thông tin này đã thúc đẩy thị trường đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong quý I/2024.
Hãng tin Bloomberg cho biết giới giao dịch đang dự đoán Fed có 80% khả năng sẽ cắt giảm lãi suất ngay tại cuộc họp tháng 3/2024. Tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 62% ghi nhận vào tuần trước.
Thị trường cũng dự kiến Fed sẽ cắt giảm gần 170 điểm cơ bản khỏi lãi suất chuẩn vào năm năm nay.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 15/1, chỉ số VN-Index giảm 0,58 điểm (0,05%) xuống 1.154,12 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 2,67 điểm (1,2%) xuống 227,55 điểm.
Tình hình Biển Đỏ hỗ trợ giá dầu
Giá dầu tăng trên thị trường châu Á trong chiều 15/1, khi các nhà giao dịch theo dõi rủi ro gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông sau các hành động của lực lượng Anh - Mỹ nhằm ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu ở Biển Đỏ.
Theo đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn trong chiều 15/1 có lúc tăng 24 xu (tương đương 0,3%) lên 78,53 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WT) cũng tăng 17 xu (0,2%) lên 72,85 USD/thùng.
Cả hai loại dầu trên đều tăng khoảng 1% trong phiên thứ Sáu tuần trước và tiến hơn 2% khi tính chung cả tuần để chạm mức cao nhất trong ngày tính từ đầu năm tới nay. Mức tăng này diễn ra sau khi lực lượng Mỹ và Anh tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi để đáp trả những cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng vào các tàu vận tải qua Biển Đỏ.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng ING cho biết có những rủi ro về nguồn cung đối với thị trường do tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, hiện ông chưa thấy bất kỳ tác động nào đến nguồn cung dầu. Có thể thị trường sẽ cần chứng kiến một sự leo thang đáng kể hơn nữa để đẩy giá tăng cao.
Nhu cầu trú ẩn an toàn giúp vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng nhẹ và duy trì trên mức 2.050 USD/ounce trong chiều 15/1, khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông cùng những đặt cược mới vào triển vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Giá vàng giao ngay trong chiều 15/1 có lúc tăng 0,2% lên mức 2.053,69 USD/ounce, sau khi đánh dấu mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 12/12/2023 vào thứ Sáu tuần trước.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,3% lên 2.057,70 USD/ounce.
Giới chuyên gia nhận định cho biết, trước cuộc họp ngày 30-31/1 của Fed, tình hình có vẻ ủng hộ giá vàng tiếp tục tăng.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, vàng giao ngay có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự ở mức 2.060 USD/ounce và tăng lên phạm vi 2.071 - 2.079 USD/ounce.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 23,25 USD/ounce còn giá bạch kim tăng 0,8% lên 913,07 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, khép phiên 15/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,00 - 76,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).