Nhà báo thường trú của hãng tin DW (Đức) Mathias Bölinger cho biết tình hình ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là 2020. Ông Mathias Bölinger nói: “Việc tìm người trả lời phỏng vấn và lên lịch hẹn ngày càng khó khăn, thường xuyên bị hủy”.
Theo ông Mathias Bölinger, người dân Trung Quốc ngày càng ngại ngần khi trao đổi về các chủ đề chính trị với phóng viên nước ngoài. Phóng viên kênh truyền hình ARD (Đức) Steffen Wurzel đề cập rằng ngay cả đưa tin về vấn đề văn hóa cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, phóng viên thường trú tại Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều hạn chế ở nhiều khía cạnh khác. Ông Wurzel cũng nhấn mạnh đến lệnh cấm di chuyển. Theo ông, các phóng viên nước ngoài hiện khó rời Trung Quốc bởi một khi xuất cảnh, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để quay trở lại.
Thêm vào đó, Trung Quốc còn áp dụng hạn chế thị thực và tạo sức ép với các phóng viên nước ngoài. Có 13 phóng viên nước ngoài chỉ được cấp thẻ nhà báo có hiệu lực trong 6 tháng. Thông thường phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc được cấp thị thực hiệu lực trong một năm.
Đặc biệt là căng thẳng liên quan đến Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh trục xuất 18 phóng viên thường trú của các tờ New York Times, the Wall Street Journal và the Washington Post trong nửa đầu năm 2020. Tháng 9/2020, hai nhà báo Australia tại Trung Quốc cũng buộc phải hồi hương sau khi cảnh sát địa phương thẩm vấn họ.
Không chỉ các phóng viên nước ngoài mà công dân Trung Quốc làm việc cho các hãng truyền thông nước ngoài cũng chịu tác động. Tháng 12/2020, công dân Trung Quốc Haze Fan làm việc cho Bloomberg đã bị bắt với cáo buộc tham gia vào hoạt động gây ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Haze Fan bắt đầu làm việc cho Bloomberg từ năm 2017 và trước đó công tác tại CNBC, CBS, Al Jazeera, Reuters. Theo các quan chức Trung Quốc, công dân nước này chỉ được làm trợ lý cho các cơ quan báo chí nước ngoài và không được phép tác nghiệp độc lập.