Thủ tướng Anh Boris Johnson tối 4/1 đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình tuyên bố xứ England sẽ bước vào đợt phong tỏa 6 tuần cấp độ cao nhất kể từ tháng 3/2020. Theo đó, kể từ tối 4/1, tất cả mọi người đều bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài một lần trong ngày để tập thể dục ngoài trời, hoặc đi mua các nhu yếu phẩm.
Thủ tướng Johnson cảnh báo hệ thống y tế Anh (NHS) đang đứng trước ngưỡng bị quá tải. Số ca nhập viện do COVID-19 chỉ riêng ngày 4/1 tại England là 26.626 người, tăng 30% so với 1 tuần trước đây và cao hơn 40% so với thời điểm đỉnh dịch hồi đợt cuối tháng 3 đầu tháng 4/2020.
Thủ tướng ra lệnh tất cả các trường học từ bậc phổ thông đến bậc đại học sẽ buộc phải đóng cửa trường chuyển sang học trực tuyến ít nhất đến ngày 15/2. Quốc hội Anh sẽ thông qua để yêu cầu này trở thành luật vào ngày 6/1/2021 trong khi các doanh nghiệp được khuyến cáo sẽ đóng cửa không hoạt động kể từ ngày 5/1.
Tuy nhiên, theo tờ Mirror, các nhà khoa học lại có cái nhìn bi quan, cho rằng đợt phong tỏa nghiêm ngặt này thậm chí còn có thể không thành công trong làm giảm tốc độ lây nhiễm.
Giáo sư bệnh truyền nhiễm Mark Wollhouse thuộc Đại học Edinburgh nói: Đợt phong tỏa toàn quốc mới này vẫn là không thể tránh khỏi và cần thiết khi mà số ca mắc hàng ngày liên tục lập kỷ lục. Tuy nhiên, biến chủng mới của SARS-CoV-2 là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” và có đặc điểm dễ lây lan nên có thể làm giảm tác dụng phong tỏa. Dù vậy, ông nói: “Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng là tình hình sẽ không xấu thêm”.
Ông Wollhouse kêu gọi chính phủ không chỉ tập trung vào phong tỏa mà còn tăng cường các biện pháp khác như xét nghiệm hàng loạt, giám sát tốt hơn các ca mắc, hỗ trợ người dân cần tự cách ly.
Tiến sĩ Jeremy Farrar thuộc Đại học Edinburgh nói đã tới lúc cần phong tỏa toàn quốc ngay lập tức và kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch khi mà nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với virus trên tuyến đầu.
Các chuyên gia cho rằng Anh đang bắt đầu trả giá vì những gì đã làm trong Giáng sinh khi tụ tập đông người.
Theo Giáo sư Neil Ferguson, thành viên Nhóm Cố vấn về mối đe dọa virus hô hấp mới của chính phủ, nhận định: “Vài tuần tới sẽ cho thấy liệu các biện pháp này có đủ để dập chủng mới dễ lây lan của virus hay không”.
Biến chủng mới dễ lây hơn 70% so với loại cũ, đang hoành hành tại Anh với tốc độ đáng lo ngại. Số bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện đã cao hơn 40% so với đợt đỉnh dịch đầu tiên.
Cũng tại Vương quốc Anh, Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon thông báo áp đặt lệnh phong tỏa mới trên toàn vùng, bắt đầu từ nửa đêm 4/1 cho đến hết tháng này. Theo đó, người dân trong vùng bắt buộc phải ở trong nhà.
Bà Sturgeon đưa ra thông báo trên sau khi Nghị viện Scotland được triệu tập để thảo luận thêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 do số ca nhiễm tăng nhanh gây lên lo ngại nghiêm trọng. Theo bà, tình hình dịch bệnh ở Scotland hiện nghiêm trọng hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 3/2020.
Về tình hình tiêm vaccine, ngày 4/1, Anh bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế. Với hy vọng có thể đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn các nước khác, Anh là nước tiến hành phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19 cũng như tiêm chủng cho người dân nhanh hơn Mỹ và các nước châu Âu.
Giới chức Anh cho biết 6 bệnh viện tại vùng England được phép tiêm 530.000 liều vaccine đầu tiên cho người dân. Chương trình tiêm chủng này sẽ được mở rộng tới hàng trăm người dân ở các vùng khác trong những ngày tới. Chính phủ Anh đặt mục tiêu sẽ tiêm được khoảng 10 triệu liều vaccine trong những tháng tới.
Tính tới 5/1, Anh ghi nhận trên 2,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 75.400 người tử vong.