Phòng khám hậu COVID-19 dành cho bệnh nhân lâu hồi phục tại Ấn Độ

Nhiều bệnh viện trên khắp Ấn Độ đã mở các phòng khám hậu COVID-19 để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên diện rộng cho những bệnh nhân lâu hồi phục.

Chú thích ảnh
Nhiều bệnh viện trên khắp Ấn Độ đã mở các phòng khám hậu COVID-19 để cung cấp dịch vụ chăm sóc trên diện rộng. Ảnh: Reuters

Cô Suvarna Oommen đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào hôm 19/10. Tuy nhiên, người phụ nữ 48 tuổi vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khi chiến đấu với căn bệnh này. Tình trạng mệt mỏi, mất ngủ và tổn thương phổi kéo dài do virus gây ra vẫn đang đeo bám cô.

“Tôi cảm thấy bất lực vì không thể hoạt động nhiều như trước. Tôi rất lo liệu phổi của mình có lành lại hoàn toàn hay không. Những lúc không thể thở được, tôi chỉ muốn tự tử. Tôi chỉ muốn chết chứ không muốn trải qua những khoảnh khắc này một lần nữa”, cô Oommen chia sẻ với tờ The Straits Times.

Sau khi chiến đấu với COVID-19 suốt hơn 2 tuần, cô Oommen sống tại thành phố Trivandrum, bang Kerala ( Ấn Độ), cũng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.  Nỗi tuyệt vọng ngày càng lên cao khi cô Oommen hàng ngày phải chứng kiến cái chết của nhiều bệnh nhân khác tại phòng chăm sóc đặc biệt và thời gian cách ly kéo dài khiến cô không thể gặp những người thân yêu. 

Ở một quốc gia có tỉ lệ mắc COVID-19 cao thứ 2 thế giới, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc tận tình cho những bệnh nhân như cô Oommen đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ. Nhiều bệnh viện trên khắp đất nước đã mở các phòng khám hậu COVID-19 nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc trên diện rộng và lâu dài cho những bệnh nhân mắc bệnh lâu hồi phục.

Bang Tây Bengal thậm chí còn ban hành hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 lâu hồi phục. Hướng dẫn khuyến cáo đối với một số trường hợp bệnh được mô tả là “tổn thương đa hệ thống”, việc chăm sóc và theo dõi thậm chí sẽ kéo dài tới 1 năm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Phòng khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện chuyên khoa Rajiv Gandhi ở thủ đô Delhi là một trong những phòng khám đầu tiên nằm ngoài hệ thống. Được thành lập hồi tháng 8 với các chuyên gia hàng đầu về thần kinh, chuyên gia tư vấn hô hấp, bệnh viện này đã tiếp nhận trên 600 bệnh nhân.

Tiến sĩ Ajeet Jain, bác sĩ phụ trách tại phòng khám cho biết phòng khám được thành lập sau khi nhiều bệnh nhân âm tính với virus SARS-CoV-2 phàn nàn rằng họ không được chăm sóc thích hợp. Ông cho rằng Ấn Độ cần thành lập thêm các phòng khám hậu COVID-19 với các bác sĩ chuyên khoa hiểu rõ hơn về căn bệnh phức tạp và vai trò của kháng thể trong việc gây bệnh kéo dài.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Yale được công bố vào tháng này cho thấy nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đã gia tăng đáng kể các phản ứng kháng thể tự động nhắm vào các cơ quan, mô và hệ miễn dịch, hơn là ngăn virus xâm nhập vào cơ thể.

“Do các kháng thể có thể tồn tại trong một thời gian dài, có thể hình dung được rằng chúng có thể khiến bệnh COVID-19 kéo dài”, Tiến sĩ  Aaron Ring, nhà sinh học miễn dịch tại Đại học Yale và là tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết.

Trong khi những người trẻ dưới 40 tuổi chiếm phần lớn số bệnh nhân của phòng khám, hiện nay các bác sĩ cũng phải tiếp nhận điều trị cho những người trên 60 tuổi. Điều này có nghĩa là phòng khám phải giải quyết nhiều vấn đề hơn, từ tâm thần thần kinh học, chẳng hạn như mệt mỏi hoặc căng thẳng, đến các dạng bệnh mãn tính trầm trọng hơn thường gặp ở người già, như bệnh tiểu đường cùng các bệnh về tim, phổi.

Tiến sĩ Jain, một bác sĩ tim mạch, nói rằng những bệnh nhân mắc bệnh tim trước khi nhiễm virus sẽ có các triệu chứng trầm trọng hơn ngay cả khi xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

"Họ bắt đầu phải chịu đựng nhiều hơn. Họ cảm thấy khó thở hoặc yếu đi sau khi đi bộ 500m, thậm chí chỉ 200m hoặc 300m”, ông nói.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: BBC

Một bài báo trên tờ Lung India vào tháng trước cũng cảnh báo rằng chứng xơ hóa phổi hậu COVID-19 - tình trạng các mô phổi trở nên cứng và có sẹo - là "cơn sóng thần kéo theo động đất" có ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh nhân.

Bài báo cho biết khoảng 10% bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu sẽ phát triển bệnh viêm phổi nghiêm trọng và 5% người bệnh sẽ phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính. Trong khi phần lớn sẽ hồi phục và không có tổn thương phổi, “số lượng khá lớn" những người còn lại có khả năng sẽ bị xơ hóa hoặc các biến chứng phổi nghiêm trọng khác.

Một trong ba tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Zarir Farokh Udwadia, một bác sĩ tư vấn của Bệnh viện Hinduja và Breach Candy ở Mumbai, nói với The Straits Times rằng những bệnh nhân tổn thương phổi nghiêm trọng hơn phải được theo dõi cẩn thận tránh phát triển xơ phổi.

Tiến sĩ Ravindra Mehta, chuyên gia tư vấn về phổi của Bệnh viện Apollo ở Bangalore, đã gặp ít nhất 50 -70 trường hợp bị xơ hóa phổi tại hai phòng khám hậu COVID-19 hồi tháng 10. Mặc dù đó là một vấn đề cần được quan tâm, nhưng hầu hết bệnh nhân đều có chuyển biến tốt hơn khi được chăm sóc theo dõi.

Tháng trước, một phòng khám hậu COVID-19 cũng đã được thành lập Bệnh viện đa khoa ở Chandigarh. Trong khi các ca bệnh nặng được xử lý tại một bệnh viện khác, phòng khám ở đây tiếp nhận khoảng 8 bệnh nhân mỗi ngày với những triệu chứng như ho dai dẳng, đau cơ và các rối loạn liên quan đến căng thẳng.

Tiến sĩ Amandeep Kang, Giám đốc Dịch vụ y tế tại Cơ quan quản lý Chandigarh, cho biết ngay cả những bệnh nhân mắc bệnh "nhẹ đến trung bình" cũng bị ảnh hưởng xấu, chẳng hạn như khả năng truyền virus cho người thân của họ, hoặc lo sợ virus sẽ phát triển trong cơ thể họ như thế nào. 

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Straits Times)
Phân phối vaccine COVID-19 cho hàng tỉ dân: Thách thức lớn nhất của Ấn Độ
Phân phối vaccine COVID-19 cho hàng tỉ dân: Thách thức lớn nhất của Ấn Độ

Với gần 10 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Ấn Độ đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước đến nay, đó là sẽ phân phối vaccine COVID-19 như thế nào tại một đất nước có diện tích rộng lớn với số dân trên 1 tỷ người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN