Theo tờ Strait Times, báo cáo của Trung tâm Đổi mới Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học Duke (Mỹ) , Ấn Độ đã mua 500 triệu liều vaccine AstraZeneca của Anh, 1 tỷ liều vaccine Novavax của Mỹ và 100 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga.
Là nước có mức thu nhập trung bình, Ấn Độ đã mua nhiều vaccine hơn các nước thu nhập cao như Mỹ và Anh, thậm chí còn nhiều hơn toàn Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Cụ thể, EU đã đặt trước 1,58 tỷ liều vaccine, còn Mỹ mua 1,01 tỷ liều.
Từ khi chưa hãng dược phẩm nào được cấp phép sử dụng vaccine COVID-19, đã có thông tin xác nhận về việc các nước đã đặt mua 7,3 tỷ liều và đang đàm phán mua 2,5 tỷ liều vaccine.
Báo cáo của Đại học Duke viết: “Nhiều quốc gia trong số trên có thể tiêm chủng cho toàn bộ dân số, trong đó một số nước thậm chí có thể tiêm nhắc lại nhiều lần. Lúc đó, hàng tỷ người ở những nước thu nhập thấp mới được tiếp cận vaccine”.
Với 1,6 tỷ liều, Ấn Độ có thể tiêm phòng cho 800 triệu người, tức 60% dân số nước này. Hồi tháng 11, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan thông báo đến tháng 7 – 8/2021 sẽ có khoảng 250 – 300 triệu người dân được tiêm vaccine.
Báo cáo của Đại học Duke giải thích rằng các nước giàu có đã đàm phán mua vaccine bằng cách đầu tư các khoản quỹ công vào chương trình phát triển và nghiên cứu vaccine, đồng thời sử dụng sức ảnh hưởng để giành suất mua sớm. Là nước thu nhập trung bình, Ấn Độ đã vươn lên dẫn đầu bằng cách sử dụng chiến lược khác: tận dụng cơ sở hạ tầng sản xuất lớn trong nước.
Báo cáo của Duke cho biết: “Các quốc gia có năng lực sản xuất, chẳng hạn như Ấn Độ và Brazil, đã đàm phán thành công với các nhà phát triển vaccine hàng đầu trong khuôn khổ thỏa thuận sản xuất”.
Ấn Độ chính là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, chiếm 60% nguồn cung ứng toàn cầu. Quốc gia Nam Á này cũng là “đại bản doanh” của Viện Serum Ấn Độ (SII) - cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. SII đang sản xuất vaccine cho Astra-Zeneca và Novavax. Trong số 3,73 tỷ liều vaccine Astra-Zeneca và Novavax được bán trên toàn cầu, có gần 3 tỷ liều do SII sản xuất. Vaccine Sputnik V của Nga cũng được sản xuất tại phòng thí nghiệm Dr Reddy's Lab ở thành phố Hyderabad.
Bên cạnh đó, hai loại vaccine nội địa của Ấn Độ do hai hãng Bharat Biotech và Zydus-Cadila phát triển đã được cấp phép để bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Theo nhà nghiên cứu virus Shahid Jameel tại Đại học Ashoka, hai hãng trên có thể bổ sung gần 400 triệu liều vaccine hàng năm.
Chiến lược phân phối vaccine của Ấn Độ phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các nhóm đối tượng ưu tiên. Theo đó, những liều đầu tiên sẽ dành cho nhân viên tuyến đầu, nhân viên y tế, nhân viên các dịch vụ khẩn cấp và an ninh. Tiếp theo là những người có nguy cơ tử vong cao nhất với nhiều bệnh nền và trên 65 tuổi.
Trong ngày 8/12, Ấn Độ ghi nhận 32.067 ca dương tính với virus SARS CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 9,7 triệu ca, trong đó có 141.398 trường hợp tử vong.