Thượng nghị sỹ Loren Legarda cho biếtsau khi nhận được Thư phê chuẩn Hiệp định Paris từ Dinh Tổng thống, Thượng viện cần sớm thông qua hiệp định trên để văn kiện này có hiệu lực tại Philippines. Dự kiến, Thượng viện sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Paris, từ đó sẽ cho phép Manila tiếp cận Quỹ Khí hậu xanh (GCF) hỗ trợ các nước nghèo đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh:EPA/TTXVN |
Trước đó, Tổng thống Duterte cảnh báo sẽ không ký Hiệp định Paris, cho rằng thỏa thuận này thiên vị các nước công nghiệp cũng như gây phương hại đến những nỗ lực công nghiệp hóa của Philippines.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực hôm 4/11/2016, theo đó gần 200 quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015, trong đó quy định một loạt biện pháp nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Philippines cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 70% lượng khí thải của nước này, tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên, Manila sẽ cần đến sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.