Philippines ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới tại Nam Phi

Ngày 2/3, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận 6 trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Nam Phi, làm dấy lên quan ngại các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả đối với biến thể mới này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 11/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông báo, trong những trường hợp trên, 3 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp là người Philippines trở về từ nước ngoài. Lực lượng chức năng đang xác định nguồn lây của trường hợp còn lại.

Philippines đã khởi động chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 1/3, một ngày sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên từ công ty Sinovac (Trung Quốc). Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu dân trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu với nhóm nhân viên y tế, người già và người nghèo. Tổng dân số Philippines là 110 triệu người. Hiện Philippines đang đàm phán để mua hơn 160 triệu liều vaccine từ các hãng dược phẩm trong năm 2021.

Trong khi đó, Iran ngày 1/3 đã cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại nước này, sau khi số ca tử vong trong ngày vượt mức 100 ca/ngày lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1. 

Người phát ngôn Bộ Y tế và Giáo dục y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết nước này đã ghi nhận 104 ca tử vong trong 24 giờ qua và đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 60.181 ca. Theo bộ trên, từ ngày 28/2-1/3, Iran ghi nhận thêm 8.510 ca mắc mới, trong đó 812 người phải nhập viện, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Hồi giáo này lên 1.639.679 ca. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo ghi nhận thêm 5.479 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 779.958 ca. Israel cũng ghi nhận thêm 22 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 5.760 ca. 

Israel đã tiến hành chương trình tiêm vaccine từ ngày 20/12/2020 và đến nay 4,74 triệu người dân Israel, tương đương 51% dân số, đã được tiêm chủng.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha đã ghi nhận 10.528 ca tử vong do dịch COVID-19 trong tháng 2 vừa qua. Đây là con số tồi tệ nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 16.354 ca tử vong do COVID-19 trong giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho hay tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này gần chạm mức 70.000 ca. Bộ này nhấn mạnh tuy đỉnh điểm của làn sóng dịch thứ 3 đã qua với tổng số ca mắc trong 14 ngày giảm xuống mức trung bình 175 ca trên 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức gần 900 ca hồi cuối tháng 1 vừa qua, song vẫn là con số cao.

Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm diễn ra nhanh trên khắp châu Âu, nhiều nước buộc phải thực hiện phong tỏa lần thứ hai thậm chí thứ ba, tuy nhiên Tây Ban Nha cho tới nay chưa áp dụng biện pháp đóng cửa quốc gia. Hiện tại phần lớn các vùng ở nước này vẫn thực hiện các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch, Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng biện pháp này đủ để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tây Ban Nha đang triển khai chương trình tiêm chủng và tới nay đã có hơn 1,2 triệu người dân nước này được tiêm 2 mũi vaccine. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez đặt mục tiêu đến cuối mùa Hè chủng ngừa cho 70% dân số.

Thanh Hương (TTXVN)
Philippines triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19
Philippines triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19

Ngày 1/3, Philippines khởi động chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19, một ngày sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên từ công ty Sinovac (Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN