Các nhà khoa học Ba Lan ngày 29/4 thông báo đã phát hiện xác ướp Ai Cập mang thai đầu tiên trên thế giới sau khi tiến hành chụp X-quang thi thể 2.000 năm tuổi đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia ở Warsaw này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời bà Marzena Ozarek-Szilke – nhà nhân chủng học kiêm khảo cổ học tại Đại học Warsaw cho hay: “Chồng tôi, Stanislaw, nhà khảo cổ học người Ai Cập, và tôi đã xem ảnh chụp X-quang và nhận thấy một cảnh tượng quen thuộc đối với mọi ông bố bà mẹ ở trong bụng người phụ nữ đã chết: một bàn chân nhỏ!”.
Phân tích sâu hơn cho thấy người phụ nữ này khoảng 20 - 30 tuổi và đang mang thai khoảng 26 - 30 tuần. Xác ướp này được đưa đến Warsaw năm 1826. Các ký tự tượng hình trên quan tài gợi ý đây là xác của một người đàn ông làm nghề tu sĩ, sống vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên và thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên. Nhiều cuộc kiểm tra trước đây đã không phát hiện xác ướp là nữ giới.
Ông Wojciech Ejsmond làm việc tại Viện Khoa học Ba Lan cho biết nhóm nghiên cứu chưa rõ vì sao bào thai không được lấy khỏi thi thể người quá cố trong lúc ướp xác. Theo ông, đó cũng chính là điều khiến xác ướp này trở nên độc nhất vô nhị, chưa từng có.
Trong khi đó, bà Ozarek-Szilke dự đoán việc giữ lại thai nhi có liên quan đến niềm tin tín ngưỡng và sự tái sinh ở thế giới bên kia.
Nhóm nhà khảo cổ cho rằng xác ướp mang thai này có thể nhiều niên đại hơn dự tính, cũng như đang tìm kiếm nguyên nhân gây ra cái chết của người phụ nữ cổ đại này. Xác ướp này chưa được tháo bỏ phần bọc bảo vệ bên ngoài song hình ảnh máy quét cho thấy người phụ nữ có mái tóc xoăn dài qua vai.
Phát hiện mang tính đột phá này đã được xuất bản trong số mới nhất của Tạp chí Khoa học Khảo cổ học. Bài báo khẳng định: “Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến về một thi thể được ướp khi đang mang thai. Nó mở ra khả năng nghiên cứu mới về quá trình mang thai và các thực hành liên quan đến thai sản”.