Phát hiện virus đột biến mới gây COVID-19 tại Oregon, Mỹ

Các nhà khoa học ở Oregon (Mỹ) đã phát hiện một loại virus gây COVID-19 mới hình thành tại bang này vốn biến đổi từ chủng B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh, nhưng lại có khả năng kháng vaccine cao hơn. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hillsboro, Oregon. Ảnh: New York Times

Tờ New York Times đưa tin các nhà nghiên cứu cho đến nay chỉ tìm thấy một trường hợp bệnh nhân mắc loại virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 này. Tuy nhiên, kết phân tích di truyền gen cho thấy rằng biến thể này không phát sinh từ bệnh nhân trên mà người này đã bị nhiễm trong cộng đồng.

“Biến thể này xuất hiện tự phát tại Oregon chứ không phải do lây nhiễm từ nước ngoài vào”, Phó giáo sư Brian O’Roak, nhà di truyền học tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon cho biết. Ông cùng đồng nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) để theo dõi các biến thể của SARS-CoV-2. 

Biến chủng B.1.1.7 lần đầu được phát hiện tại Anh đã lây lan nhanh khắp nước Mỹ, với ít nhất 2.500 ca nhiễm tại 46 bang. Loại virus này vừa dễ lây vừa nguy hiểm hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2. Dự kiến, nó sẽ chiếm số đông ca mắc mới ở Mỹ trong vài tuần tới. 

“Phiên bản” mới xuất hiện ở Oregon có cùng xương sống – dạng đột biến E484K - được tìm thấy trong các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở Nam Phi, Brazil và thành phố New York.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng ở Nam Phi chỉ ra rằng đột biến E484K khiến những vaccine hiện nay kém hiệu quả hơn do làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vaccine vẫn phát huy tác dụng, nhưng những phát hiện này sẽ gây lo ngại khi Pfizer-BioNTech và Moderna bắt đầu thử nghiệm các phiên bản vaccine mới để đánh bại biến chủng virus ở Nam Phi.

Biến thể B117 với đột biến E484K cũng đã xuất hiện ở Anh. Tuy nhiên, loại virus vừa được xác định ở Oregon dường như lại phát triển độc lập. Giáo sư O'Roak và các đồng nghiệp đã tìm thấy virus đột biến này trong các mẫu bệnh phẩm tại Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng bang Oregon được thu thập trên toàn bang.

Trong số 13 kết quả xét nghiệm mà họ phân tích, 10 mẫu có chủng B.1.1.7 còn 1 mẫu là biến chủng mới của B.1.1.7. Các chuyên gia khác cho rằng phát hiện trên không gây ngạc nhiên bởi đột biến E484K đã xuất hiện dưới nhiều dạng của virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện tượng đột biến xảy ra tại B.1.1.7 lại rất đáng theo dõi.

Các đột biến ở virus có thể tăng cường hoặc làm suy yếu lẫn nhau. Ví dụ, các biến thể được xác định ở Nam Phi và Brazil chứa nhiều đột biến giống nhau, trong đó có E484K. Nhưng phiên bản Brazil có đột biến K417N mà biến thể ở Nam Phi không có.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 4/3 trên tạp chí Nature, nhóm tác giả đã so sánh phản ứng của kháng thể với cả ba biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil. Tương tự những nghiên cứu khác, họ phát hiện ra rằng biến thể gây hại ở Nam Phi có khả năng chống lại các kháng thể do hệ thống miễn dịch tạo ra mạnh nhất. Nhưng biến thể lưu hành ở Brazil không có khả năng kháng thuốc dù mang đột biến E484K.

Còn quá sớm để khẳng định biến thể ở Oregon sẽ hoạt động giống như biến thể ở Nam Phi hay Brazil. 

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 536.000 người dân Mỹ tử vong, khiến hàng triệu người mất việc làm và ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Ngày 6/3 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ liên quan tới đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau cuộc tranh luận, đàm phán và đề xuất sửa đổi kéo dài cả ngày nhằm thông qua một trong những dự luật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Video tiêm kích Israel hộ tống ‘pháo đài bay’ B-52 Mỹ 
Video tiêm kích Israel hộ tống ‘pháo đài bay’ B-52 Mỹ 

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo hôm 7/3, các tiêm kích F-15 của nước này đã hộ tống hai máy bay ném bom B-52 Mỹ bay qua không phận. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN