Qua đánh giá các hóa thạch hộp sọ khai quật được vào những năm 70 tại khu khảo cổ Xujiayao, một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khảo cổ học Trung Quốc đứng đầu đã phát hiện ra rằng thể tích hộp sọ của người cổ đại hominin lên tới 1.700 cm3. Wu Xiujie, một nhà nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật học và Người tiền sử thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc khẳng định đây là nhóm người tiền sử có đầu to nhất vào giai đoạn giữa kỷ nguyên Pleistocene.
Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Wu Xiujie đã tái tạo lại khá hoàn chỉnh phần sau hộp sọ từ ba mẩu xương rời của cùng một người trưởng thành trẻ tuổi. Não của người cổ đại ở Xujiayao nhỏ hơn một chút so với "người Hứa Xương" - họ hàng gần của nhóm người tiền sử này- với thể tích hộp sọ vào khoảng 1.800 cm3, nhưng người tiền sử tại Xujiayao lại xuất hiện sớm hơn người Hứa Xương khoảng 60.000 năm. Theo tác giả Wu Xiujie, những phát hiện trên đã cung cấp bằng chứng sớm nhất một bộ não có kích thước tương đương của người Neanderthal và người hiện đại.
Các nhà khoa học từng giả định rằng kích thước bộ não của người cổ đại trong thời kỳ Đồ đá cũ sẽ lớn dần lên theo thời gian. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ giả thuyết này, khi những người tiền sử sinh sống trên đảo Flores của Indonesia cách đây từ 100.000 đến 50.000 năm có bộ não với kích thước chỉ vào khoảng 400 cm3, trong khi bộ não của người Hứa Xương to gấp 4 lần. Các phát hiện trên có thể giúp các nhà khoa học giải thích nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi lớn về kích thước não bộ của tổ tiên người hiện đại, cũng như hiểu rõ hơn quá trình tiến hóa của loài người.