Truyền thông Ai Cập cho biết mỏ khí đốt này có trữ lượng khoảng 3.500 tỷ foot khối (hơn 99 tỷ mét khối) nằm trong khu vực khai thác do Chevron kiểm soát 45%, tập đoàn năng lượng Eni của Italy nắm 45% và công ty nhà nước Tharwa của Ai Cập giữ 10% còn lại.
Phát hiện trên là tin vui lớn đối với Ai Cập trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang chứng kiến sự sụt giảm tổng sản lượng khí đốt tự nhiên từ mức cao nhất là 7,2 tỷ foot khối mỗi ngày vào tháng 9 năm ngoái xuống còn 6,5 tỷ foot khối mỗi ngày trong quý III năm nay.
Hồi tháng 6 năm nay, công ty cổ phần khí đốt tự nhiên EGAS của Ai Cập và tập đoàn Chevron đã ký bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong các hoạt động vận chuyển, nhập khẩu và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Chevron đã khoan giếng thăm dò đầu tiên tại khu vực nhượng quyền của Ai Cập ở Địa Trung Hải vào tháng 9 năm nay. Ngoài ra, tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Mỹ khẳng định sẵn sàng đóng vai trò tích cực và hợp tác trong các dự án cải thiện điều kiện môi trường của ngành năng lượng Ai Cập.
Theo thỏa thuận này, hai công ty sẽ đánh giá các cơ hội tiềm năng nhằm chuyển khí đốt khai thác ở phía Đông Địa Trung Hải tới Ai Cập để tiến hành quy trình hóa lỏng trước khi xuất khẩu nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Chevron đã tham gia đầu tư vào hoạt động tìm kiếm khí đốt ở phía Tây Địa Trung Hải ở các khu vực phía Bắc Sidi Barani, Narges và Bắc El Dabaa và tại một khu vực ở Biển Đỏ.
Theo Chính phủ Ai Cập, xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng của nước này đã tăng lên mức khoảng 8 tỷ USD trong năm tài chính 2021/2022. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mohamed Maait cho biết Ai Cập đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD mỗi tháng từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đặt mục tiêu nâng con số này lên 1 tỷ USD trong thời gian tới. Chính phủ Ai Cập cũng đang thực hiện kế hoạch hợp lý hóa mức tiêu thụ điện nhằm tiết kiệm khí đốt tự nhiên để xuất khẩu nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ.