Ủy ban liên ngành gia cầm và gan béo Pháp (CIFOG) đưa ra quan điểm này sau khi công ty khởi nghiệp Gourmey giới thiệu dự án sản xuất món ngon này từ các tế bào ngỗng và vịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Trong một tuyên bố, CIFOG nhấn mạnh công ty Gourmey không có quyền dán nhãn sản phẩm của họ là pate gan ngỗng bởi công ty có trụ sở tại Paris này không phải là thành viên của hiệp hội. Theo đại diện của các nhà sản xuất pate gan ngỗng của Pháp, nhãn sản phẩm nói trên được giám sát theo các tiêu chuẩn của cả Pháp và châu Âu.
Việc dán nhãn sản phẩm chỉ được phép đối với gan được lấy từ ngỗng hoặc vịt được vỗ béo bằng phương pháp ép ăn, do đó, cấm chỉ định đối với món pate gan ngỗng hoặc vịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm. CIFOG cũng cho rằng đại đa số người Pháp không muốn tiêu thụ các sản phẩm nhân tạo, hóa chất tổng hợp từ các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như loại pate gan ngỗng hoặc vịt thay thế của công ty Gourmey.
Để có được gan béo của ngỗng hay vịt, người ta vỗ béo ngỗng và vịt để gan của chúng tăng lên gấp 10 lần so với kích thước bình thường và có nhiều mỡ hơn. Theo các nhà bảo vệ động vật, quá trình này có thể khiến những con vịt, ngỗng quá lớn không thể đi lại hoặc thở được.
Tuần trước, công ty Gourmey đã huy động thêm được 10 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ để sản xuất gan vịt hoặc ngỗng trong phòng thí nghiệm. Công ty triển khai nỗ lực này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế muốn tìm giải pháp thay thế bền vững và có đạo đức cho việc nuôi động vật để giết mổ lấy thịt.
Năm 2019, Hội đồng thành phố New York (Mỹ) đã thông qua luật cấm bán gan ngỗng trong thành phố, một trong những thị trường lớn nhất của Mỹ. Các quốc gia khác bao gồm cả Anh, Phần Lan, Israel và Na Uy cũng cấm sản xuất gan ngỗng hoặc vịt. Nghị viện châu Âu tháng trước cũng kêu gọi cấm việc ép vịt và ngỗng ăn để lấy gan béo chế biến pate.