Tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm được xem là một sản phẩm thịt sạch bởi bản chất của nó là thịt từ tế bào ngoài động vật. Nếu thành công, Shiok Meats sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đưa tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm vào bữa ăn các gia đình.
Shiok sử dụng mẫu các tế bào từ tôm để nuôi thành thịt tôm ở dạng băm. Các tế bào này được nuôi bằng dưỡng chất trong dung dịch và giữ ở môi trường 28 độ, để các tế bào sinh sôi và biến thành thịt trong khoảng từ 4 đến 6 tuần.
Shiok cho biết hiện 1 kg thịt tôm nuôi trong phòng thí nghiệm có giá 5.000 USD, do đó, một bữa dimsum nhân thịt lợn và tôm hấp có thể lên tới 300 USD nếu sử dụng thịt tôm của Shiok.
Shiok hy vọng giảm giá thành sản phẩm còn 50 USD/kg vào cuối năm 2020 này khi chi phí đầu vào mua các chất dinh dưỡng nuôi tế bào thịt giảm.
Dự kiến, Shiok sẽ tung ra thị trường sản phẩm thịt tôm đặc biệt này vào năm 2021 song trước đó, sản phẩm này cần được giới chức Singapore cấp phép.
Shiok hiện có kế hoạch đầu tư 5 triệu USD xây dựng một nhà máy nuôi thịt tôm trong phòng thí nghiệm tại Singapore để phục vụ nhu cầu các nhà hàng và các nhà cung ứng thực phẩm.
Trong khi đó, các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực phẩm do công ty Beyond Meat Inc và Impossible Foods đại chúng hóa, đang xuất hiện ngày càng nhiều tại siêu thị và thực đơn của các nhà hàng.
Hiện có hơn 20 công ty đang thử nghiệm cá, bò, gà nuôi trong phòng thí nghiệm với hy vọng thâm nhập vào phân khúc thị trường thịt thay thế mà Barclays ước tính có thể đạt tới 140 tỷ USD vào năm 2029.
Trên thực tế, các công ty sản xuất thịt có nguồn gốc từ tế bào đang đối mặt với thách thức, đó là sự tiếp nhận của người tiêu dùng với sản phẩm của họ.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực sáng chế công nghệ nông nghiệp thuộc Đại học công nghệ Nanyang, ông Paul Teng, mọi giải pháp thay thế làm ra đạm động vật mà không gây hại tới môi trường đều đáng hoan nghênh, song cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ những tác động tiêu cực các sản phẩm đạm tạo từ tế bào.