Chính phủ Pháp ngày 2/5 thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan ít nhất đến ngày 24/7 tới, theo đó tất cả những người đến nước này đều phải thực hiện cách ly 2 tuần. Tuy nhiên, quy định cách ly này không áp dụng với những người đến từ EU, khu vực Schengen hay Anh bất chấp quốc tịch của họ. Đối với những trường hợp là công dân Pháp và EU đến từ các khu vực khác ngoài EU, Schengen và Anh, sẽ có quy định riêng và được thông báo trong vài ngày tới.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết quy định thắt chặt kiểm soát biên giới mà Pháp áp đặt từ giữa tháng 3, đặc biệt là với Đức, sẽ tiếp tục có hiệu lực. Pháp có kế hoạch bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 11/5 tới, theo đó học sinh sẽ dần dần trở lại trường học, một số doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại và người dân có thể di chuyển trong phạm vi 100 km tính từ nhà mà không cần khai báo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo các biện pháp nới lỏng này còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, đặc biệt là tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề như Paris hay miền Đông Bắc nước này.
Trong vòng 24 giờ tính đến hết ngày 3/5, số ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp tăng thêm 135 ca lên tổng cộng 24.895 người. Hiện Pháp đứng thứ 5 thế giới về tổng số ca tử vong, sau Mỹ, Italy, Anh và Tây Ban Nha.
* Ngày 3/5, Lực lượng Không quân Romania đã cử một chiếc máy bay C-27J Spartan chở 90.000 chiếc khẩu trang FFP2 đến Madrid để hỗ trợ Tây Ban Nha chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bộ Quốc phòng Romania cho biết số khẩu trang trên là một phần trong kho dự trữ thiết bị y tế của Liên minh châu Âu (EU) được lập tại Romania, đã được giao cho giới chức Tây Ban Nha.
Đây là lần thứ 2, Lực lượng Không quân Romania thực hiện nhiệm vụ cung cấp thiết bị y tế cho một quốc gia thành viên EU khác để chống dịch. Trước đó, ngày 25/4, Lực lượng Không quân Romania cũng đã cử máy bay C-27J Spartan chở 90.000 khẩu trang FFP2 đến Milan, miền Bắc Italy.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 19/3 đã thông báo kế hoạch thành lập một kho dự trữ chiến lược các thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang, để giúp các nước thành viên đối phó với dịch bệnh. Thiết bị y tế sẽ được lưu trữ tại một hoặc một số quốc gia thành viên. Quốc gia lưu trữ có trách nhiệm mua sắm thiết bị. EC sẽ tài trợ 90% nguồn vốn và Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp EU quản lý việc phân phối thiết bị y tế để đảm bảo các mặt hàng này được chuyển đến những nơi cần thiết nhất.
Romania là quốc gia thành viên EU đầu tiên tình nguyện mua và xây dựng kho dự trữ thiết bị y tế trên. Đến nay, Romania đã nhận được khoản tiền tài trợ 10 triệu euro từ EU. Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, Romania đã tiến hành hơn 10 chuyến bay vận chuyển các thiết bị y tế mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.