Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại Triển lãm vũ khí Eurosatory, bà Parly đánh giá việc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khẳng định sẽ giữ quan điểm "rất thực dụng" khi theo dõi kết quả của cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên bởi bà không tin rằng mọi việc có thể thay đổi nhanh chóng chỉ sau một ngày. Theo bà Parly, đây mới chỉ là khởi đầu của một tiến trình mà các bên phải theo dõi và đánh giá từng bước một.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đang sắp diễn ra tại đảo nghỉ dưỡng Sentosa của Singapore trong ngày 12/6. Theo kế hoạch chính thức, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ chỉ gặp gỡ trong ngày 12/6. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ hội đàm trực tiếp với một lãnh đạo Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên nên "thật sự thận trọng" khi đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông chủ Nhà Trắng trong thời gian qua liên tục phá vỡ các cam kết quốc tế trong đó có quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Người phát ngôn của Ngoại trưởng Iran Bahram Qassemi cũng cho biết Tehran không lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Trước đó, ngày 8/5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã quyết định rút quốc gia này khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.
Theo thỏa thuận, Tehran kiềm chế chương trình hạt nhân đổi lại các quốc gia còn lại dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Thỏa thuận vốn sẽ có hiệu lực tới năm 2025 nhưng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút lui.
Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ dồn sức ép tối đa thông qua những biện pháp trừng phạt kinh tế mức độ cao nhất để buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm tạo ra một thỏa thuận mới mà Mỹ cho là kín kẽ hơn với việc bao trùm cả hoạt động phát triển tên lửa của quốc gia này.