Phát biểu tại họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Bồ Đào Nha, Tổng thống Macron cho rằng các quốc gia giàu có phải mở rộng năng lực vaccine của họ để giúp các nước kém phát triển hơn.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên cũng khẳng định rằng giải pháp nhanh nhất để tăng cường phân phối vaccine trên toàn cầu là xuất khẩu và EU khuyến khích "tất cả các bên tạo điều kiện cho xuất khẩu vaccine".
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ưu tiên đảm bảo việc tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo sẽ không giúp "xóa sổ" đại dịch COVID-19.
Theo ông, tình trạng này "không thể chấp nhận được", không chỉ "vì vấn đề đạo đức, mà còn bởi chúng ta sẽ không đánh bại được virus SARS-CoV-2 trong một thế giới chia rẽ". Ông nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine là lợi ích của mỗi quốc gia trên thế giới.
Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy gần 1,25 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 45% trong số đó đã được sử dụng tại những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.
Trong khi đó, chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 của WHO (ACT-A) vẫn còn thiếu 19 tỷ USD so với mục tiêu 22 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, khoảng 35 tỷ đến 45 tỷ USD vẫn cần được huy động vào năm tới để đảm bảo hầu hết người trưởng thành trên khắp thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19