Cụ thể, Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau cho biết sẽ xem xét thay đổi luật để ngăn chặn tái diễn những vụ việc tương tự như vụ một cô gái 19 tuổi bị sát hại tại Paris, trong đó nghi phạm là một người nhập cư trái phép đang chờ bị trục xuất. Bộ trưởng Retailleau tin rằng nhiệm vụ của chính phủ là điều chỉnh luật pháp phù hợp để bảo vệ người dân nước này. Hồi đầu tuần, ông cũng cho biết nước Pháp có thể sẽ áp dụng các biện pháp an ninh và chính sách nhập cư cứng rắn hơn nhiều.
Những bình luận trên được lãnh đạo Bộ Nội vụ Pháp đưa ra trong bối cảnh chính phủ mới tại nước này đang chịu sức ép từ đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) sau vụ nữ sinh viên 19 tuổi bị sát hại. Trước đó, Văn phòng Công tố Paris cho biết nữ sinh viên có họ là Philippine được gia đình thông báo mất tích ngày 20/9.
Đến ngày 21/9, thi thể của cô gái được tìm thấy tại công viên Bois de Boulogne ở phía Đông Nam Paris. Nghi phạm là một người đàn ông Maroc hơn 20 tuổi, từng bị kết tội hiếp dâm ở Pháp và đang trong thời gian chờ trục xuất. Người này đã bị bắt tại Geneva, Thụy Sĩ vào tuần sau đó và chờ được dẫn độ về Pháp. Vụ việc tiếp tục thổi bùng lên những tranh cãi gay gắt liên quan vấn đề nhập cư và an ninh ở Pháp.
Đảng cực hữu RN của bà Marine Le Pen - đảng đang nắm giữ ảnh hưởng chính trị lớn đối với chính phủ mới thành lập của Thủ tướng Michel Barnier, đang gây sức ép giải quyết vụ việc này như một các hiện thực hóa thể hiện cam kết của đảng với cử tri liên quan việc siết chặt các quy định liên quan nhập cư và an ninh.
Chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier chỉ mới thành lập vào tuần trước và vẫn thường trực nguy cơ bị các đảng phái lớn trong quốc hội phản đối hoặc đưa ra bỏ phiếu “bất tín nhiệm”. Đảng RN - lực lượng lớn thứ 3 tại Quốc hội Pháp - dù thể hiện ủng hộ vai trò Thủ tướng của ông Barnier và chính phủ mới nhưng vẫn không loại trừ khả năng phản đối nếu các quan ngại của đảng này không được giải quyết thỏa đáng, trong đó có vấn đề nhập cư.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Pháp là nước ban hành lệnh trục xuất công dân các nước ngoài EU nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khối, nhưng tỷ lệ thi hành các lệnh trục xuất này lại rất thấp. Trong quý I/2024, Pháp đã ra lệnh trục xuất 34.190 trường hợp công dân ngoài EU, tương đương gần 1/3 tổng số lệnh trục xuất của toàn EU, nhưng hiện mới chỉ có 4.205 trường hợp được thực hiện.