Phát biểu trên Đài phát thanh Franceinfo một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác áp đặt các lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính với Nga, Bộ trưởng Le Maire cho rằng "nền kinh tế Nga có thể sẽ sụp đổ".
Trước đó, các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Mỹ đã cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga tại Mỹ và đã đóng băng dự trữ của ngân hàng này, trong khi Thụy Sĩ cũng cho biết sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như EU công bố vào cuối tuần. Về phần mình, Bộ Tài chính Anh cũng tuyên bố đóng băng tài sản đối với ngân hàng phát triển do nhà nước sở hữu VEB và hai ngân hàng thương mại Otkritie và Sovcombank của Nga. Việc đóng băng tài sản các ngân hàng Nga sẽ ngăn cản Điện Kremlin huy động vốn ở Anh và khiến hơn 3 triệu doanh nghiệp không thể tiếp cận thị trường vốn nước này.
Để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đặc biệt. Các biện pháp nêu trong sắc lệnh được áp dụng để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù lợp với các luật liên bang của Nga. Điện Kremlin nhấn mạnh sắc lệnh kinh tế đặc biệt này sẽ không phải là đòn đáp trả duy nhất của Nga đối với các trừng phạt của phương Tây.
Đánh giá về tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, các chuyên gia cho rằng các biện pháp này sẽ thể tác động ngay đến kinh tế Nga do nước này có thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ và đã tích lũy được khoản dự trữ ngoại hối kỷ lục lên tới 630 tỷ USD - đủ để trang trải cho hàng hóa nhập khẩu trong gần hai năm. Bên cạnh đó, trong khi Nga phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ châu Âu thì người châu Âu cũng phải phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, về lâu dài, Nga có thể là bên chịu thiệt hại nặng nề trong xung đột bởi dự trữ ngoại hối được lưu trữ bằng ngoại tệ như đồng USD, euro và đồng bảng Anh, cũng như vàng và lệnh cấm của phương Tây đối với giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga đã hạn chế Moskva tiếp cận tiền mặt. Trong khi đó, tâm lý bất ổn ngày càng gia tăng của giới đầu tư, sẽ làm suy yếu các mối liên kết thương mại và kinh tế. Thêm vào đó, châu Âu có thể sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Sau khi các lệnh trừng phạt được công bố vào thứ 28/2, giá trị đồng ruble đã giảm tới 40% so với đồng USD. Có thời điểm, giá trị đồng ruble đã giảm gần 30% so với USD, xuống mức thấp nhất là 119 ruble/USD trong giao dịch đầu giờ ở châu Á. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất lên 20% từ 9,5% để giảm bớt tác động của việc đồng ruble mất giá. Mặc dù Nga khẳng định có đủ nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính, song điều này cũng không thể ngăn nhu cầu rút tiền mặt tăng cao. Ngoài ra, việc loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế, bởi Nga phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống này để xuất khẩu dầu và khí đốt, xương sống kinh tế quan trọng của nước này. Nhiều tập đoàn lớn có cổ phần thuộc sở hữu của Chính phủ Nga cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng do vấn đề xung đột ở Ukraine.