Vụ việc đã gây chấn động dư luận Ấn Độ trong suốt 2 năm kể từ khi bị phát hiện. Theo báo Times of India, một bé gái người Hồi giáo 8 tuổi đã bị bắt cóc, gây mê và bị cưỡng hiếp nhiều lần tại quận Kashua, bang Jammu và Kashmir hồi tháng 1/2018.
Nạn nhân là một bé gái thuộc nhóm du mục Hồi giáo Bakarwals. Cô bé đã bị bắt cóc khi đang một mình trên cánh đồng chăn thả ngựa ở thị trấn Kathua, Jammu.
Các đối tượng bị kết án đã nhốt nạn nhân trong một ngôi đền Hindu trong 5 ngày. Tại đó, cô bé bị đánh thuốc mê và liên tục bị cưỡng hiếp, trước khi bị siết cổ và đập chết bằng một tảng đá. Thi thể của cô bé được phát hiện trong một khu rừng gần đấy sau một tuần người nhà báo mất tích.
Công tố viên cho rằng âm mưu bắt cóc bé gái nhằm mục đích đe dọa những người du mục Hồi giáo rời khỏi khu vực đã chứng tỏ một xã hội Ấn Độ đang sục sôi với căng thẳng tôn giáo.
Thông tin về vụ việc đã khiến dư luận Ấn Độ nói riêng và quốc tế nói chung phẫn nộ. Thậm chí, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi giới chức phải đưa những kẻ tội phạm ra ngoài ánh sáng và chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Phiên tòa lúc đầu được xử tại Kathua hồi tháng 4/2018, song Tòa án Tối cao đã yêu cầu chuyển phiên xét xử về Pathankot ở tỉnh Punjab vì cha của nạn nhân cho biết gia đình bị đe dọa. Phiên xét xử được ghi hình với sự tham gia của 100 nhân chứng.
Sáu trong tổng số bảy đối tượng tình nghi đã phải nhận tội trong một phiên tòa đặc biệt mở ngày 10/6.
Tên chủ mưu đứng sau tội ác tàn bạo này là Sanji Ram – một quan chức chính phủ đứng đầu một ngôi làng. Cháu trai hắn ở độ tuổi vị thành niên và hai sĩ quan đặc nhiệm bị kết tội danh giết người và cưỡng hiếp tập thể. Trong khi đó, một nhân viên điều tra và một cảnh sát bị kết tội phá hủy chứng cứ do nhận hối lộ của tên Ram.
Theo hãng tin CNN, 3 bị cáo bị tuyên án tù chung thân với tội danh bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại nạn nhân, trong khi đó những tên còn lại nhận án tù 5 năm vì tội danh phá hủy chứng cứ. Một đối tượng tình nghi đã được tòa tuyên trắng án.
Trong một tuyên bố với phóng viên ngoài tòa án ở Pathankot, công tố viên đặc biệt Santokh Singh cho biết họ sẽ kháng cáo các bản án được thông qua đối với những người đã bị xét xử và cả đối tượng được thả bổng.
"Rõ ràng tòa án đã gạt bỏ sự nghi ngờ đối với kẻ được tuyên trắng án kia. Và phía công tố chắc chắn sẽ nộp đơn kháng cáo... chúng tôi cũng đang nộp đơn kháng cáo với trường hợp đã tuyên án”, công tố viên Singh cho biết.
Ngay khi thông tin về vụ việc được công bố năm 2018, hàng nghìn người trên khắp Ấn Độ đã tổ chức các cuộc biểu tình nhằm đòi lại công bằng cho nạn nhân. Phản ứng của công chúng góp phần hối thúc chính phủ Ấn Độ đưa ra một luật mới cho phép thực thi án tử hình với những kẻ bị kết án cưỡng hiếp trẻ em dưới 12 tuổi.
Theo báo cáo của Đại học Luật Quốc gia Ấn Độ, kể từ khi luật có hiệu lực cho đến nay, đã có 9 đối tượng bị tử hình.
Ấn Độ luôn là một trong những điểm nóng liên quan tới các vụ bạo lực tình dục trong hàng chục năm qua. Mặc dù một vài năm trở lại đây, quốc gia này đã ban hành các luật lệ chặt chẽ hơn, song mỗi ngày vẫn có tới 100 trường hợp khai báo với cảnh sát bị quấy rối tình dục. Theo Cục Quản lý Tội phạm Quốc gia, trong năm 2016, có gần 39.000 vụ khai báo tấn công tình dục, tăng 12% so với năm trước đó.