Phản đối biện pháp phòng COVID-19, người dân Hà Lan đốt ô tô, đập phá cửa hàng 

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở châu Âu bước sang giai đoạn nguy hiểm mới trong tuần này khi người dân biểu tình bạo lực phản đối các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Biểu tình phản đối giờ giới nghiêm Eindhoven, Hà Lan. Ảnh: EPA

Theo tờ Dailymail, tại Hà Lan, một trong những quốc gia châu Âu bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất, chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp mới để giảm số ca mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng. Các biện pháp gồm áp đặt giờ giới nghiêm từ 21 giờ tới 4 giờ 30 phút sáng hôm sau. Đây là lần đầu tiên Hà Lan áp đặt giờ giới nghiêm kể từ Thế chiến thứ II.

Biện pháp này đã khiến biểu tình nổ ra khắp 10 thành phố ngày 24/1. Cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt ô tô, cướp phá cửa hàng, đập phá đồn cảnh sát. 

Chú thích ảnh
Người biểu tình đốt phá ô tô ở Hà Lan. Ảnh: Getty Images

Giới chức thành phố Eindhoven ngày 25/1 thông báo 62 người đã bị bắt và cảnh sát đang tìm kiếm nhiều người nữa. Cảnh sát ở Amsterdam đã bắt giữ 192 người.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: “Thật không thể chấp nhận được. Điều này không liên quan gì với biểu tình, đây là bạo lực tội phạm và chúng tôi sẽ coi các hành vi này như vậy”.

Chú thích ảnh
Cửa hàng bị đập phá ở Eindhoven, Hà Lan. Ảnh: AFP

Thị trưởng thành phố Eindhoven, ông John Jorritsma phát biểu: “Thành phố của tôi đang kêu khóc, tôi cũng vậy”. Ông đã gọi những kẻ bạo loạn là cặn bã và cảnh báo sẽ xảy ra nội chiến nếu tiếp tục tình hình này.

Trong khi đó, Pháp sẽ quyết định có phong tỏa toàn quốc lần thứ ba hay không trong tuần này. Thủ tướng Pháp Jean Castex cảnh báo tình hình đáng lo ngại khi biến thể virus có nguồn gốc ở Anh đang rất phổ biến. Một số bác sĩ Pháp cho rằng phong tỏa là điều không thể tránh khỏi.

Tại Italy, Giáo sư Walter Ricciardi, cố vấn Bộ Y tế, đã kêu gọi phong tỏa toàn quốc một tháng và cho rằng điều này là cần thiết để giảm số ca mắc COVID-19. Ông nói rằng các biện pháp hiện nay của Italy chỉ đủ để ổn định chứ không thể làm giảm số ca mắc.

Video người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Hà Lan (nguồn: Dailymail):

Châu Âu ban đầu được ca ngợi nhờ áp dụng biện pháp cứng rắn để phòng chống dịch bệnh. Phần lớn châu Âu bị phong tỏa hoàn toàn trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, khi làn sóng thứ hai ập tới, phần lớn các biện pháp phòng dịch đã không có hiệu quả.

Nỗ lực chống đại dịch ở châu Âu thêm phức tạp khi nhiều biến chủng mới xuất hiện, trong đó có biến chủng ở Anh – quốc gia đang bị phong tỏa hoàn toàn.

Mặc dù nhiều nước châu Âu tiếp tục thông báo biện pháp mới để giảm số ca mắc bệnh, nhưng số ca mắc vẫn cao ở những nước như Pháp, Italy, Đức, khiến bệnh viện hết chỗ trống. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, số ca mắc mới đã tăng lên mức kỷ lục.

Video người biểu tình đốt ô tô ở Hà Lan (nguồn: Dailymail):

Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã phải khuyến nghị cắt giảm mọi chuyến đi không cần thiết tới các khu vực bị coi là điểm nóng dịch bệnh với từ 500 ca mắc/100.000 dân. EU dự định đưa ra bản đồ các khu vực trên trong tuần này. Có thể có từ 10 tới 20 quốc gia EU sẽ bị coi là khu vực lây nhiễm cao. 

Châu Âu tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19 với trên 29,2 triệu ca mắc, trong đó trên 669.000 ca tử vong từ đầu đại dịch. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Davos hướng tới ‘chữa lành vết thương’ dịch COVID-19
Davos hướng tới ‘chữa lành vết thương’ dịch COVID-19

Đến hẹn lại lên, nhưng vào 2021 thị trấn Davos (Thụy Sĩ) không còn nhộn nhịp như những năm trước đây bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN