Theo thông cáo, chỉ còn một nhóm nhỏ của MINUSMA còn ở lại Mali sau thời điểm nêu trên để giám sát hoạt động vận chuyển tài sản và tháo dỡ các thiết bị của LHQ.
Ông El-Ghassum Wane - người đứng đầu MINUSMA - xác nhận: “Các quỹ tài trợ, cơ quan và chương trình của LHQ đã hiện diện tại Mali từ lâu trước khi triển khai MINUSMA và sẽ tiếp tục ở lại Mali” sau khi Phái bộ gìn giữ hòa bình rút hoàn toàn khỏi quốc gia Tây Phi.
Trước đó, hôm 30/12, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres ra tuyên bố đánh giá cao MINUSMA khi phái bộ này chuẩn bị kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại quốc gia Tây Phi.
Trong tuyên bố, ông Guterres đề cao vai trò then chốt của MINUSMA trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình. TTK LHQ đánh giá cao những nỗ lực của MINUSMA trong quá trình đảm bảo tôn trọng lệnh ngừng bắn theo Thỏa thuận hòa bình và hòa giải năm 2015. Ông cũng bày tỏ “lòng biết ơn sâu sắc nhất” đối với các quân nhân MINUSMA.
Tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của LHQ dành cho Mali, TTK Guterres cam kết tiếp tục hợp tác với người dân Mali hướng tới mục tiêu khôi phục trật tự hiến pháp và thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của quốc gia Tây Phi này.
Được triển khai từ năm 2013 tại Mali, MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh sĩ đến từ 65 quốc gia. Tháng 6 vừa qua, chính quyền quân sự ở Mali đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi nước này sau nhiều tháng quan hệ hai bên xấu đi.
Nghị quyết 2690 của LHQ, được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 30/6/2023, quy định hoạt động “rút quân MINUSMA một cách phối hợp, có trật tự và an toàn, phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023 và việc giải thể Phái bộ bắt đầu vào tháng 1/2024”.
Giới chuyên gia anh ninh cảnh báo miền Bắc Mali có nguy cơ lún sâu vào vòng xoáy xung đột khi các nhóm nổi dậy và quân đội nước này tìm cách kiểm soát những khu vực mà MINUSMA rút đi, qua đó tiếp tục gây bất ổn cho quốc gia Tây Phi - nơi các lực lượng phiến quân có liên hệ với 2 tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đang hoành hành.