Lúc 23 giờ (giờ VN) ngày 23/9, tại phiên họp lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), Tổng thống Palextin Mahmud Abbas đã trao bức thư đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận nhà nước Palextin là thành viên chính thức cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Theo nhận định của các nhà phân tích, đây được xem là “khoảnh khắc lịch sử” trong nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ tại LHQ của Palextin.
Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas trao thư đề nghị LHQ công nhận nhà nước Palextin là thành viên chính thức cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 23/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Các thủ tục để được công nhận là thành viên chính thức của LHQ bắt đầu bằng việc Tổng thống Abbas gửi đơn đề nghị tới Tổng thư ký Ban Ki-moon. Tiếp đó, ông Ban Ki-moon xem xét và chuyển cho HĐBA bỏ phiếu thông qua. Để được chấp thuận, Palextin cần phải nhận được 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên HĐBA và không bị các thành viên thường trực phủ quyết. Nếu không thành công trong cuộc bỏ phiếu tại HĐBA, ông Abbas có thể trình đề nghị lên ĐHĐ LHQ, nơi Palextin đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Palextin sẽ chỉ có thể được công nhận là một nhà nước quan sát viên chứ không phải là thành viên chính thức. Vị thế này cao hơn vị thế quan sát viên thường trực của Palextin hiện nay, nhưng không được tham gia các cuộc bỏ phiếu tại LHQ.
Giới quan sát cho rằng, thất vọng trước các cuộc hòa đàm về Trung Đông không đạt được tiến bộ, người Palextin dự định đưa vấn đề này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của LHQ, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với mong muốn hàng thập kỷ qua của họ là thành lập một nhà nước độc lập. Có thể nói, Tổng thống Palextin Abbas đã khai hỏa cuộc đối đầu trực tiếp với Ixraen và Mỹ, khi ngày 19/9 tuyên bố ông sẽ chính thức đề nghị LHQ công nhận nhà nước Palextin là thành viên chính thức. Oasinhtơn hiện dẫn đầu các nỗ lực nhằm ngăn cản Palextin đệ đơn xin gia nhập LHQ với tư cách thành viên đầy đủ.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc phiên thảo luận chung của kỳ họp thường niên ĐHĐ LHQ khóa 66 ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Ixraen và Palextin nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Ông Obama cho rằng sẽ không thể cắt ngắn quá trình chấm dứt cuộc xung đột vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua. Hòa bình không thể được thiết lập đơn thuần thông qua những tuyên bố và nghị quyết của LHQ. Theo ông Obama, điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi người Ixraen và Palextin đạt được một thỏa thuận về các vấn đề đã chia rẽ họ về biên giới, tình hình an ninh, người tị nạn và Jerusalem. Trước đó, Oasinhtơn tuyên bố sẽ phủ quyết tại cuộc bỏ phiếu của HĐBA về vấn đề Palextin. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 20/9 cho rằng con đường duy nhất để Palextin và Ixraen đạt được giải pháp hai nhà nước là thông qua đối thoại trực tiếp.
Về phía Ixraen, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 20/9 ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Palextin Abbas đàm phán trực tiếp tại New York và tiếp đó tại Jerusalem và Ramallah, trụ sở của Chính quyền Dân tộc Palextin (PNA) ở Bờ Tây.
Trong khi đó, rất nhiều nước và các tổ chức như Nga, Côlômbia, Vênêxuêla, Bôlivia, Trung Quốc, Liên đoàn Arập... đã bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Palextin. Nhiều nguồn tin cho biết, hiện có khoảng 120 trong tổng số 193 nước tham gia bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ tuyên bố ủng hộ Palextin. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cảnh báo, nếu Mỹ phủ quyết nỗ lực của Palextin yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, điều này có thể gây ra làn sóng bạo lực ở Trung Đông.
Tổng thống Abbas đã tiên đoán về một tình hình “rất khó khăn” sau khi ông đệ đơn lên LHQ xin chấp nhận Palextin là thành viên chính thức. Tuy nhiên, ông Abbas khẳng định: “Nhân dân Palextin và ban lãnh đạo của họ sẽ vượt qua mọi thời khắc khó khăn”.
Hạnh Dương