Người phát ngôn của PNA tại thành phố Ramallah, ông Tarek Rishmawi cho biết bầu cử hội đồng thành phố tại Bờ Tây sẽ diến ra vào ngày 13/5 tới và hoãn bầu cử tại Dải Gaza. Tuy nhiên, ông không nêu rõ thời điểm tổ chức bầu cử tại Gaza.
Ông Yahya Sinwar (phải) tại Khan Yunis, phái nam Dải Gaza ngày 21/10/2011. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phản ứng trước động thái trên, Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza nói rằng thông báo của chính quyền Palestine làm gia tăng “sự chia rẽ” giữa các phe phái và “phục vụ lợi ích chính trị" của đảng Fatah hiện kiểm soát Bờ Tây. Đáp lại, ông Rishmawi cáo buộc Hamas là nguyên nhân dẫn đến quyết định trên của chính quyền.
Trước đó ngày 26/2, Thủ tướng của PNA Rami Hamdallah cho biết sau các tham vấn với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và các phe phái khác của Palestine, Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đã được thông báo rằng phong trào này có thời hạn 1 tuần để tuyên bố có tham gia cuộc bầu cử hay không. Ông Hamdallah nêu rõ: "Trong trường hợp Hamas từ chối tham gia, chúng tôi có thể chỉ tổ chức bầu cử ở Bờ Tây".
Các đảng đối lập của Palestine đã không tham gia cuộc bỏ phiếu nào kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2006 mà Hamas giành chiến thắng, làm bùng phát một cuộc xung đột đẩy Palestine đến bờ vực nội chiến tại Gaza 1 năm sau đó. Hamas tẩy chay cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất vào năm 2012, vì vậy cuộc bỏ phiếu này chỉ được tiến hành tại Bờ Tây. Nỗ lực mới đây nhằm tổ chức một cuộc bầu cử đồng thời tại cả 2 khu vực trên đã đổ vỡ hồi năm ngoái.
Các cuộc bầu cử địa phương được xem là 1 biện pháp chủ chốt nhằm xây dựng lòng tin, từ đó có thể mở đường cho các cuộc tổng tuyển cử tại Palestine. Rất nhiều nỗ lực hòa giải chính trị giữa hai bên đã không đạt đột phá dù cả hai đều bày tỏ thiện chí hòa giải. Việc các phong trào Palestine không vượt qua được các chia rẽ nội bộ là trở ngại lớn cho tiến trình hướng tới chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng Israel - Palestine vốn kéo dài gần 70 năm nay.