Omicron xuất hiện, Mỹ vẫn chật vật đối phó với biến thể Delta

Biến thể Omicron đã lây lan đến một số bang của Mỹ, nhưng biến thể Delta vẫn chiếm phần lớn ca mắc COVID-19 mới của nước này.

Chú thích ảnh
Người dân đi qua Quảng trường Thời đại ở Manhattan, Thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), đối với bác sĩ Rina D’Abramo, người làm việc tại hệ thống chăm sóc sức khoẻ MetroHealth ở Cleveland, mỗi lần phải đối diện bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm chủng tại phòng cấp cứu là một lần khó khăn.

“Khi được hỏi đã tiêm phòng chưa, các bệnh nhân đều trả lời yếu ớt rằng họ chưa tiêm phòng. Nhưng bây giờ họ đã biết lý do tại sao cần phải tiêm vaccine COVID-19”, bác sĩ D’Abramo nói.

Thật không may, vẫn còn rất nhiều người ở Ohio và nhiều khu vực khác ở Mỹ vẫn chưa nhận ra bài học đó, ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm trên toàn quốc bắt đầu tăng trở lại trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện.

Gần đây, Ohio là một trong những bang có số ca nhập viện vì COVID-19 tăng cao nhất, trong bối cảnh số ca nhiễm trên khắp cả nước tăng cao. Theo phân tích dữ liệu của New York Times, số ca nhập viện tại đây đã tăng 19% trong vòng hai tuần qua. Ohio ghi nhận trung bình trên 4.400 ca nhập viện vì COVID-19 mỗi ngày, đứng thứ 4 trong số các bang ở Mỹ và tăng 29% trong 2 tuần qua.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ ngày 8/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, khi số người tiêm vaccine COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, các chuyên gia hy vọng Mỹ có thể trải qua một mùa đông yên ả. Tuy nhiên, sau các cuộc tụ tập trong kỳ nghỉ lễ, số trường hợp COVID-19 đã gia tăng trở lại, trong khi những câu hỏi về biến thể Omicron còn chưa được giải đáp. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại và cảnh báo mới từ các bác sĩ và quan chức y tế công cộng ở Mỹ.

William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Vanderbilt cho biết: “Đèn cảnh báo màu vàng đã bật lên bởi tôi nghĩ rằng tiến độ tiêm chủng của chúng ta đã chậm lại”.

Theo tờ Times, 40% dân số Mỹ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Số liều vaccine được phân phối mỗi ngày đã giảm từ khoảng 3,3 triệu liều vào tháng 4 xuống còn khoảng 1,7 triệu liều hiện nay.

Không chỉ Ohio, nhiều bang lân cận cũng đã chứng kiến số ca mắc và nhập viện gia tăng. Pennsylvania và Michigan đều ghi nhận trung bình hàng ngày trên 4.500 bệnh nhân nhập viện, tăng hơn 20% trong hai tuần qua. Illinois và Indiana cũng đã báo cáo số ca nhập viện gia tăng 49%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại phòng chăm sóc tích cực dành cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế Chula Vista ở California. Ảnh: EPA

Bác sĩ D’Abramo cho biết trung tâm điều trị của cô ghi nhận 10 bệnh nhân mắc COVID-19 mỗi ngày và khoảng 98% trong số đó chưa được tiêm chủng. Tình trạng phổ biến này đã làm hạn chế sức chứa của các bệnh viện trong khu vực Cleveland. Tuần trước, MetroHealth, phòng khám Cleveland đã thông báo buộc phải hoãn một số ca phẫu thuật không khẩn cấp.

Tiến sĩ Matthew Sims, Giám đốc nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Beaumont Health, hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn nhất ở Michigan, cho biết phòng cấp cứu và các bộ phận khác của bệnh viện đều kín chỗ, chủ yếu đều là những bệnh nhân chưa được tiêm chủng.

Beaumont, giống như các bệnh viện khác ở Michigan và trên toàn quốc, cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực. Chính quyền gần đây đã phải cử thêm hàng chục nhân viên y tế đến các cơ sở ở khu vực này. Ngoài ra, tất cả các nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế đều đang rất mệt mỏi. Tiến sĩ Sims chia sẻ: “Chúng tôi đã phải làm việc không ngừng nghỉ suốt 2 năm và dịch bệnh vẫn đeo bám chúng tôi”.

Trước tình trạng này, bác sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học tại Đại học New York, đang nỗ lực kêu gọi mọi người đi tiêm vaccine phòng COVID-9, thúc đẩy những người đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến khích mọi người đeo khẩu trang khi tụ tập trong nhà và ngay cả khi ở ngoài trời.

“Tôi nghĩ rằng đất nước chúng ta đã chọn một trong những con đường gồ ghề nhất để vượt qua đại dịch vì có rất nhiều người người từ chối tiêm phòng", bà Gounder nói.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ vận chuyển bệnh nhân COVID-19 ở Shawnee, Oklahoma. Ảnh: Reuters

Bác sĩ Gounder và nhiều chuyên gia khác đang chờ thêm dữ liệu về biến thể Omicron, đã được phát hiện ở ít nhất 50 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Nam Phi đã báo cáo rằng Omicron có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn các biến chủng trước đây.

D’Abramo, bác sĩ cấp cứu ở Ohio, cho biết cô vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch. Tại bệnh viện của cô, có một cặp vợ chồng chưa được tiêm phòng và một đứa bé 10 tuổi gần đây đã bị mắc COVID-19 rất nặng.

“Trong khi người vợ vẫn đang được điều trị bằng máy ECMO (tim phổi nhân tạo), người chồng phải nhập viện trong hai tuần đã được xuất viện. Đối với tôi, đó là một bi kịch. Cô ấy sẽ không rơi vào tình trạng nguy kịch đó nếu cô ấy được tiêm phòng. Và rất có thể, cô ấy sẽ không mắc bệnh nếu làm điều đó”, D’Abramo nói.

Theo thống kê của Reuters, ít nhất 19 bang của Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Nhiều ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ và mắc các triệu chứng nhẹ. Tình trạng tiêm liều nhắc lại của những bệnh nhân này chưa được thông tin. 

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết dù có vài chục ca Omicron, nhưng biến thể Delta vẫn chiếm khoảng 99% tổng số ca COVID-19 mới ở Mỹ.  Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 127.400 ca mắc mới và vượt ngưỡng 1.300 ca tử vong.

Hải Vân/Báo Tin tức
WHO khuyến nghị về đối tượng nên tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19
WHO khuyến nghị về đối tượng nên tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19

Ngày 9/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố các khuyến nghị về những nhóm nên được tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 sau khi được tiêm phòng đầy đủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN