Số ca nhiễm đã tăng tới 71% so với tuần trước đó, mức tăng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ví như “sóng thần Omicron”. Tuy nhiên, cũng có thêm thông tin tích cực về dịch bệnh, khi số ca tử vong trong tuần giảm, phần nào cho thấy độc lực của Omicron thấp hơn so với các biến chủng trước đây.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 6/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tuần qua thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi cuối năm 2019. Số liệu này trên thực tế có thể sẽ còn cao hơn, bởi chưa có dữ liệu chính xác về xét nghiệm trong những ngày nghỉ lễ cuối năm 2021.
Cụ thể, theo báo cáo tình hình dịch bệnh theo tuần của WHO, tuần qua có tổng số to 9.520.488 ca nhiễm mới trên toàn cầu, với 41.178 ca tử vong – giảm so với mức 44.680 ca của một tuần trước đó.
Giới chức WHO cho rằng luôn có độ trễ nhất định giữa số lượng ca mắc và ca tử vong, với khoảng thời gian là hai tuần. Nhưng họ cũng khẳng định có nhiều lý do khiến tình trạng bệnh nặng, tử vong có xu hướng giảm. Đó là tỉ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tăng, Omicron ảnh hưởng đến vùng mũi, họng thay vì tấn công vào phổi, khiến độc lực của biến thể này kém so với Delta.
Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo không nên chủ quan cho rằng Omicron chỉ gây bệnh nhẹ. Như các biến thể trước đây, Omicron vẫn có thể khiến người nhiễm phải nhập viện và tử vong. Trên thực tế, “sóng thần lây nhiễm” hiện rất mạnh và nhanh, gây ra sức ép không nhỏ với hệ thống y tế tại các nước.
Theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, Omicron gần như chắc chắn không phải là biến thể cuối cùng. Quan chức WHO đồng thời kêu gọi thực thi triệt để các biện pháp chống dịch như tiêm chủng vaccine, thông khí trong phòng, giữ khoảng cách hợp lý và đeo khẩu trang, nhưng phải đeo đúng cách.