Theo Politico.eu mới đây, biến thể Omicron đang bùng phát chưa từng có ở châu Âu, bởi vì nó rất dễ lây lan, có nghĩa là hầu hết mọi người khó tránh bị nhiễm căn bệnh này. Ngay cả khi Omicron ít gây chết người hơn so với các biến thể trước, nhưng các bệnh viện và các dịch vụ quan trọng khác vẫn phải đối mặt với sự quá tải trong những tuần tới do nhiều nhân viên bị nhiễm hoặc phải cách ly.
Nhưng điều gì xảy ra sau đó? Một số nhà khoa học cho rằng sự bùng phát hiện tại báo trước một xu hướng thoát khỏi đại dịch kéo dài hai năm qua và chuyển sang một giai đoạn mới, ít nguy hiểm hơn, nơi các nước sẽ phải học cách sống chung với COVID-19. Những người khác coi đây là suy nghĩ "viển vông" và cảnh báo rằng, càng có nhiều người bị nhiễm, nguy cơ biến thể mới sẽ xuất hiện và nguy hiểm hơn.
Đánh giá trái chiều
Dịch bệnh lan rộng do Omicron được các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu so sánh như một “làn sóng thủy triều”: Pháp có 270.000 ca nhiễm mới ngày 4/1, trong khi các quốc gia khác như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha cũng đang lập kỷ lục lây nhiễm. Những nước Đông Âu cũng xuất hiện những trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên.
Các chuyên gia y tế đồng ý rằng, không giống như thời điểm này năm ngoái, các cơ sở y tế không có nguy cơ bị quá tải. Tại Anh, các ca nhiễm mới đã vượt ngưỡng 200.000 hôm 4/1 vừa qua và số ca nhập viện ngày càng tăng. Nhưng số lượng bệnh nhân cần thở máy vẫn không thay đổi mặc dù ca nhiễm gia tăng. Đó là một tín hiệu tích cực cho châu Âu.
Có thể Omicron có khả năng vượt qua miễn dịch từ quá trình tiêm chủng hoặc bị nhiễm COVID-19 trước đó. Nhưng, quan trọng là, các mũi tiêm tăng cường dường như có hiệu quả và Omicron ít nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó. Có nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể này tập trung ở đường hô hấp trên, ít xâm nhập vào khu vực phổi nhạy cảm hơn trước đây vốn gây ra các biến chứng tử vong do COVID-19.
Nhưng một số chuyên gia khác lại đánh giá, mặc dù sự nguy hiểm của biến thể này thấp hơn và vaccine có khả năng tạo ra miễn dịch đối với Omicron, nhưng các nguồn lực cần thiết cho hệ thống y tế vẫn đang chịu áp lực. Fidelia Cascini, Giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Cattolica Sacro Cuore ở Rome, cho biết tại Italy, các giường bệnh đang quá tải. Điều này có nghĩa là các hệ thống y tế đang đối mặt với sự thiếu hụt cơ sở vật chất và nhân viên.
Nói rộng hơn, đã xuất hiện sự thiếu hụt lớn về nhân lực khi ngày càng nhiều nhân viên, trong đó có đội ngũ y tế, phải cách ly vì nhiễm COVID-19. Điều này nguy cơ đe dọa đến các dịch vụ thiết yếu và cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời làm suy yếu sự phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu sau các đợt phong tỏa gần đây.
Sarah Scobie, Phó Giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn y tế Nuffield Trust, cho biết 25.000 nhân viên y tế của Anh đã phải cách ly trong tuần vừa qua. Ở Anh, một số bệnh viện buộc phải tuyên bố "sự cố nghiêm trọng" do thiếu nhân viên. Chuyên gia Scobie cảnh báo, tác động đầy đủ của Omicron vẫn còn phải được kiểm chứng vì nó chỉ bắt đầu lây lan ở những người cao tuổi, những người có bệnh nền.
Mặc dù vậy, Flemming Konradsen, Giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu tại Đại học Copenhagen, hy vọng rằng châu Âu sẽ chuyển sang giai đoạn khác vào cuối tháng 2/2022. Ví dụ tại Đan Mạch, sự lây lan nhanh chóng của Omicron có nghĩa là đa số mọi người sẽ bị nhiễm. Ông Konradsen cho biết: "Sau làn sóng này, gần 90% dân số Đan Mạch bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm phòng. Và điều đó sẽ làm cho căn bệnh này trở nên hoàn toàn khác. Mọi người vẫn sẽ bị ốm nhưng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng sẽ chỉ tập trung ở những nơi như viện dưỡng lão và bệnh viện".
Kịch bản này có thể xảy ra trên khắp châu Âu, vì việc triển khai chiến dịch tiêm tăng cường và khả năng miễn dịch đạt được khi nhiễm Omicron giúp cải thiện khả năng bảo vệ của người dân. Tuy nhiên, Giáo sư Konradsen lưu ý: “Đông Âu, nơi mức độ tiêm chủng kém hơn, có thể dễ bị tổn thương. Tôi cho rằng nhiều hệ thống y tế trên khắp châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến giữa tháng 2 sẽ phải chịu áp lực đáng kể”.
Sống chung với Omicron
Nam Phi là một trong những nơi đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron vào cuối tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, các chuyên gia y tế đã phân tích về làn sóng Omicron để hiểu cách thức biến thể này có thể lan truyền khắp thế giới. Dù không thể so sánh với châu Âu về điều kiện y tế, nhưng khi các ca nhiễm bùng phát ở châu Phi, vẫn không có sự gia tăng lớn về số ca tử vong. Trái ngược với những làn sóng COVID-19 trước đó, Nam Phi không cần áp đặt thêm các lệnh phong tỏa ngay cả khi Omicron tăng mạnh. Cho đến nay, cách tiếp cận đó đã mang lại hiệu quả.
Do đó, các nhà khoa học đang bắt đầu nói về khả năng đại dịch sắp kết thúc, với việc COVID-19 trở thành "đặc hữu", lây nhiễm tự do nhưng ít gây ra mối đe dọa cho xã hội. Đây là quan điểm của nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới về COVID-19. Phát biểu hồi tháng 12/2021, bà dự đoán sẽ trải qua một thời kỳ chuyển giao dài trước khi đại dịch kết thúc. Bà Van Kerkhove nói thêm: “Đặc hữu không có nghĩa là không nguy hiểm”.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có sự thống nhất về việc đại dịch sẽ tiến triển như thế nào, hay thậm chí là việc sống chung với một loại virus đặc hữu sẽ ra sao. Martin McKee, Giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết đeo khẩu trang có thể vẫn là biện pháp phổ biến ở châu Âu, vì chúng đã tỏ ra hiệu quả ở châu Á trong suốt mùa dịch cúm.
Tuy nhiên, ông McKee cảnh báo rằng không có sự đồng thuận khoa học về việc liệu biến thể COVID-19 tiếp theo sẽ ít gây chết người hơn hay không: "Nó có thể tiếp tục phát triển và một lần nữa trở nên nguy hiểm hơn". Một nhóm các nhà khoa học ở Thụy Điển chia sẻ nỗi sợ hãi: "Để dịch bệnh lây lan quy mô lớn giống như việc mở hộp Pandora. Chúng tôi hầu như chưa phát hiện ra biến thể cuối cùng".
David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, kết luận rằng luôn có khả năng xuất hiện biến thể nguy hiểm mới. Ông này lưu ý thêm, mức độ miễn dịch cộng đồng cao ở Anh có thể mở ra cách tiếp cận khác. Thay vì các quyết định như phong tỏa, mọi người nên chú ý đến nguy cơ lây nhiễm của bản thân. Ví dụ, tự xét nghiệm trước khi đi ăn tối, hoặc tránh tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương nếu có thể có nguy cơ lây nhiễm.