Anh, Tây Ban Nha, Ireland và Hy Lạp đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những người nhiễm COVID-19.
Theo Politico.eu, châu Âu có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng khi biến thể Omicron bùng phát khắp châu lục và nhiều người bị nhiễm bệnh và phải cách ly.
Trong khi nhiều nước đang áp dụng lại các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, họ cũng đang đánh giá lại các quy định cách ly nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, đồng thời giảm thiểu tác động đối với các dịch vụ quan trọng cũng như nền kinh tế.
Hy Lạp là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông báo sẽ giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh, còn một nửa thời gian so với 10 ngày trước đó.
Tại Anh, nước này đã chuyển sang giai đoạn cách ly 7 ngày đối với những người nhiễm bệnh ngay trước ngày lễ Giáng sinh (24/12/2021). Tây Ban Nha và Ireland cũng vừa giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày so với 10 ngày trước đó, trong khi Italy vừa bỏ việc cách ly đối với những người có tiếp xúc gần với đối tượng bị nhiễm nếu đã được tiêm chủng.
Việc tăng cường tiêm chủng đã giúp giảm số ca lây nhiễm và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhưng với biến thể Omicron được chứng minh là có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể trước đó, tại sao các quốc gia lại chuyển sang giai đoạn cách ly ngắn hơn và liệu chúng có đủ để ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ tư? Câu trả lời dường như phụ thuộc vào việc đối tượng đã tiêm phòng hay chưa.
Một nghiên cứu gần đây của Mỹ đã phân tích thời gian lây nhiễm của những người nhiễm COVID-19 và phát hiện ra rằng, trong số những người đã được tiêm vaccine, thời gian trung bình để khỏi bệnh là 5,5 ngày, trong khi ở những người không được tiêm chủng là 7,5 ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu dựa trên khả năng lây nhiễm từ các biến thể Alpha và Delta và được thực hiện trước khi biến thể Omicron bùng phát.
Khi thông báo về việc thay đổi cách ly từ 10 xuống 7 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết động thái này dựa trên phân tích của chính cơ quan này, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho biết việc giảm thời gian cách ly còn 5 ngày là "dựa trên cơ sở khoa học". Theo CDC, phần lớn quá trình lây nhiễm xảy ra trong hai ngày đầu tiên trước khi các triệu chứng bắt đầu và kéo dài 3 ngày sau đó.
Trong khi đó, Hy Lạp chỉ ra dữ liệu sơ bộ cho thấy rằng biến thể Omicron không chỉ gây triệu chứng nhẹ hơn mà còn có thời gian tồn tại ngắn hơn, cho phép thời gian cách ly ngắn hơn.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cảnh báo về việc rút ngắn thời gian cách ly mà không cần xét nghiệm. Giáo sư Saad Omer tại Trường y Yale viết trên Twitter: “Nếu không xét nghiệm, sẽ có rất nhiều người lây nhiễm trong lực lượng lao động truyền virus cho những người khác - làm tăng thêm rủi ro sức khỏe cộng đồng và khả năng gây gián đoạn kinh tế”.