Olaf Scholz – Ứng cử viên sáng giá thay thế Thủ tướng Đức Angela Merkel

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của ông Olaf Scholz đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, giúp ông có khả năng trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel sắp rời nhiệm sở.

Chú thích ảnh
Ông Olaf Scholz. Ảnh: Getty Images

Ngay sau khi công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Đức với chiến thắng nghiêng về SPD, ông Olaf Scholz tuyên bố đặt mục tiêu thành lập một chính phủ liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) trước lễ Giáng sinh.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, SPD đã trở lại là chính đảng mạnh nhất ở Đức. SPD nhận được 25,7% số phiếu ủng hộ. Sau 16 năm cầm quyền của bà Merkel, đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) về thứ hai trong cuộc bầu cử năm nay khi nhận được 24,1% số phiếu, con số thấp kỷ lục. Đảng Xanh được 14,8%, kết quả cao nhất trong lịch sử của đảng này và trở thành chính đảng mạnh thứ 3 ở Đức.

Theo Skynews, ông Scholz là Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng trong chính quyền của bà Merkel khi đảng của bà liên minh với SPD để thành lập chính phủ năm 2017. Mặc dù thường bị đánh giá là chính trị gia có phong cách buồn tẻ, nhưng Bộ trưởng Tài chính 63 tuổi này luôn thể hiện mình là con người hành động, có thể tin tưởng trong hoàn thành nhiệm vụ.

Có nền tảng là luật sư, ông Scholz là chính trị gia có kinh nghiệm nhờ đã đảm nhận một số chức vụ cao ở cả cấp quốc gia và địa phương. Ông lần đầu vào Quốc hội Đức năm 1998 khi mới 40 tuổi và đã có nhiều bước tiến dài trong chính quyền Hamburg, giữ các vị trí cao trong chính phủ liên bang cũng như SPD suốt 20 năm qua.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Thủ tướng Đức của đảng SPD Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài các vai trò hiện tại, ông Scholz từng là Thị trưởng Hamburg từ năm 2011 tới năm 2018, từng nắm giữ chức trưởng ban kỷ luật của SPD, cấp phó của SPD, bộ trưởng lao động và vấn đề xã hội trong chính phủ đầu tiên của Thủ tướng Merkel.

Trong đại dịch COVID-19, các biện pháp của ông Scholz đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế ca ngợi khi ông từ bỏ theo đuổi ngân sách cân bằng để bảo vệ nền kinh tế Đức và hỗ trợ thiết lập quỹ phục hồi COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU), bất chấp bị bà Merkel phản đối lúc đầu. Ông đã giám sát quá trình phân bổ hàng tỷ euro tiền giải cứu COVID-19 và tiền viện trợ khẩn cấp cho nạn nhân lũ lụt ở Tây Đức. 

Trong bối cảnh lạm phát ở Đức tăng và áp lực từ các đối thủ bảo thủ, ông Scholz muốn các hoạt động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tách biệt với cách điều hành kinh tế của Chính phủ Đức, chỉ rõ rằng cần phải tôn trọng tính độc lập của ECB. Ông Scholz cũng đã hợp tác với Pháp để thúc đẩy nỗ lực đưa ra một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và các quy định mới về thuế cho các tập đoàn công nghệ lớn. 

Những biện pháp khôn ngoan của ông Scholz trong thời khủng hoảng đã giúp ông củng cố vị trí của mình. Khảo sát nhanh sau cuộc tranh luận trên truyền hình gần đây nhất cho thấy ông Scholz đã giành chiến thắng áp đảo cho dù đối thủ của ông đã công kích ông về cách xử lý nạn rửa tiền. 

Chú thích ảnh
Ông Olaf Scholz phát biểu với báo giới tại Berlin, Đức, ngày 27/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Washington Post, mặc dù có phong cách chính trị khô cứng, nhưng điều đó có thể đã giúp ích cho ông Scholz khi mà cử tri Đức vẫn gắn bó với bà Merkel – một người phụ nữ được coi là “bà đầm thép”. Mặc dù không cùng đảng nhưng ông Scholz tự coi mình là người kế nhiệm tự nhiên của bà Merkel. 

Ông Frank Stauss, cố vấn truyền thông chính trị từng làm việc với đảng SPD, nhận định: “Rõ ràng là phong cách lãnh đạo của bà Merkel đã để lại ảnh hưởng lớn lên văn hóa chính trị của Đức. Ông Scholz có phong cách chính trị đủ tương đồng để thu hút cử tri muốn tìm kiếm ứng viên tương tự bà Merkel”. 

Ông Corinna Hoerst, thành viên cấp cao Quỹ Marshall Đức, nhận định: “Ông Scholz là người điềm tĩnh, thận trọng và ổn định”. Ông đã trở thành "cánh tay phải" của bà Merkel khi dẫn dắt đất nước trong 4 năm qua. Ông đứng sau bà Merkel nhưng có quyền lực lớn trong Chính phủ Đức và cả ở châu Âu – nơi ông đại diện cho Đức liên quan các chính sách đồng euro.

Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông Scholz cũng từng đối mặt với một số rắc rối. Khi còn là Thị trưởng Hamburg, ông bị chỉ trích vì cách xử lý những diễn biến xung quanh hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 khi sự kiện này bị biến thành bạo lực lan rộng giữa người biểu tình và cảnh sát. 

Chú thích ảnh
Ông Scholz (trái) là bộ trưởng lao động trong nội các đầu tiên của bà Merkel (phải). Ảnh: AP

Gần đây nhất, ông Scholz buộc phải trở về Berlin khi đang vận động tranh cử hồi tuần trước để trả lời câu hỏi của ủy ban tài chính quốc hội. Cuộc điều tra này nhằm vào các cáo buộc cản trở công lý tại đơn vị phụ trách chống rửa tiền của Bộ Tài chính Đức. Các nghị sĩ SPD cho rằng thời điểm điều tra là đáng nghi vì đảng của ông Scholz đang dẫn đầu trong các khảo sát bầu cử.

Tuy nhiên, theo công ty khảo sát dư luận Forsa, sau tất cả các biến cố, ông Scholz đã gần như không bị ảnh hưởng lớn. Ông Scholz đã liên tục nhận kết quả tốt trong các khảo sát hỏi cử tri sẽ bầu cho ai nếu họ có thể chọn thủ tướng trực tiếp.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thủ tướng Đức, Angela Merkel sẽ làm gì khi rời nhiệm sở?
Thủ tướng Đức, Angela Merkel sẽ làm gì khi rời nhiệm sở?

Từ một người trong nhiều thập kỷ đều có lịch trình sẵn mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt, với những trọng trách to lớn, bà Merkel sẽ bước sang một giai đoạn khác hoàn toàn như thế nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN