Theo CNN, Rasha Abu Askar đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 cách đây chưa đầy hai tuần. Chồng cô là Musa Abu Askar cũng vậy. Mắc COVID-19 khiến hai vợ chồng không thể chăm sóc 4 đứa con nhỏ.
Khi đang sống ở Gaza, vấn đề của họ còn lớn hơn là chỉ phải lo tìm người trông con. Hai ngày sau khi gửi con ở căn hộ của ông bà, xung đột bạo lực tệ nhất trong nhiều năm qua đã nổ ra ở Gaza giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Musa Abu Askar cho biết vợ chồng anh không thể tiếp cận dịch vụ y tế cho dù có triệu chứng bệnh đánh lo ngại và đang gặp khó khăn vì phải ở xa các con trong khi Israel không kích ngay gần đó.
Mặc dù xảy ra thiệt hại vật chất và người cho cả hai bên nhưng Gaza mới là nơi thiệt hại nặng nề. Nhiều tòa nhà đã bị phá hủy. Ít nhất 230 người Palestine thiệt mạng.
Ngày 17/5, Israel đã không kích làm hư hỏng tòa nhà của Bộ Y tế Palestine, nơi có một trong những phòng thí nghiệm và trung tâm xét nghiệm COVID-19 chính ở Gaza.
Ngày 10/5, trung tâm này vẫn chưa hoạt động khiến giới chức Bộ Y tế phải sử dụng phòng thí nghiệm tư nhân để xử lý một số mẫu xét nghiệm chỉ dành cho người chạy tới Ai Cập qua Rafah.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc hồi tháng 4, số ca mắc COVID-19 ở Gaza tăng 60%, mặc dù tình trạng lây nhiễm dường như đã giảm vào cuối tháng đó.
Chưa đầy 2% người Gaza được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 tính tới cuối tháng 4, trong khi Israel đã tiêm chủng cho hơn 60% người dân ít nhất một liều.
Sau cuộc xung đột, người dân, giới chức, nhân viên y tế và tổ chức nhân đạo lo Gaza có thể chịu làn sóng COVID-19 thứ 3, đặc biệt là ở hàng chục trường học do Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành. Các trường này đã biến thành nơi ở tạm của phần lớn trong 72.000 người Palestines mất nhà cửa do bom đạn.
Bộ Y tế Palestine cho rằng làn sóng COVID-19 thứ ba đã xuất hiện rồi khi mà 30% người xét nghiệm có kết quả dương tính. Trên 100 người đang được điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt.
Tiến sĩ Rami Al-Abadlah, Giám đốc Đơn vị Kiểm soát Lây nhiễm và An toàn của Bộ Y tế cho biết hệ thống y tế đang cực kỳ căng thẳng và dịch vụ đang sụp đổ. Ông nói: “Mọi thứ ngày càng khó khăn hơn. Trường học đông người tới nỗi không thể giãn cách. Chúng tôi chắc chắn sắp đối diện thảm họa y tế. Chúng tôi không thể tiếp nhận hết người nhiễm bệnh”.
UNRWA cho biết đang gặp khó khăn vì phải vừa đáp ứng nhu cầu của quá nhiều người vừa phải ngăn COVID-19 lây lan. Bà Tamara Alrifai, phát ngôn viên UNRWA, nói: “Chúng tôi rất lo khi các trường học của UNRWA trở thành nơi siêu lây nhiễm khi mà có quá nhiều người. Năm 2014, trường học UNRWA là nơi trú ẩn cho người tị nạn Palestine ở Gaza. Họ ngủ hàng ngày, hàng tuần ở các trường học này vì cho rằng nơi đây an toàn hơn nhà mình. Lần này, tình hình phức tạp hơn nhiều vì COVID-19 khi mà Gaza có tỷ lệ lây nhiễm cao còn tốc độ tiêm chủng lại chậm”. Có lẽ yếu tố duy nhất có thể ngăn khủng hoảng y tế trầm trọng là dân số Gaza rất trẻ.
UNRWA đang tiêm vaccine ở một vài trung tâm tại Gaza nhưng phải ngừng từ khi bạo lực bùng phát.
Ngoài những thứ cần thiết như đồ ăn, nước sạch, hệ thống vệ sinh, giường, UNRWA đang phải tìm nguồn thiết bị bảo hộ cá nhân để giữ cho các nơi trú ẩn tạm an toàn trước COVID-19.
Bà Alrifai cho biết: “Sắp xếp những thứ này cực kỳ khó khăn khi khi mà nhiều tòa nhà, nhà máy, trung tâm y tế đều bị phá hủy”.
Mahmoud Saleh, y tá làm việc tại trung tâm y tế COVID-19 ở Gaza, cho biết họ cũng phải ngừng tiêm vaccine, còn xét nghiệm là điều gần như bất khả thi.