Cuộc chiến ở Dải Gaza dấy lên nhiều lo ngại và câu hỏi

Bước sang tuần giao tranh thứ hai trong cuộc chiến thứ 4 giữa hai bên, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã đối mặt với các cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza.

Chú thích ảnh
Hamas nã rocket từ Gaza vào Israel ngày 17/5. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, Israel tố cáo Hamas dùng dân thường Palestine làm lá chắn sống, còn những người chỉ trích nói Israel đang sử dụng lực lượng bất cân xứng trong đáp trả Hamas. Khó có thể nói ai đúng, ai sai, đặc biệt là trong bối cảnh giao tranh hiện nay.

Việc Hamas và các nhóm người Palestine nã hàng nghìn quả rocket vào Israel là điều rõ ràng. Luật pháp quốc tế cấm nhằm vào dân thường hoặc sử dụng lực lượng bất cân xứng ở khu vực dân thường. Rocket nã vào các tòa nhà ở Tel Aviv rõ ràng là hành vi vi phạm. Trong khi đó, phía Israel cũng không thể giải thích hợp lý về việc lựa chọn các mục tiêu không kích ở Gaza - nơi có 2 triệu người sinh sống trên dải đất ven biển chật hẹp.

Video tòa nhà ở Gaza đổ sập sau khi bị Israel không kích (nguồn: RT):

Cả hai bên đều hoạt động trên địa hình đô thị, mật độ dân số đông. Do không gian chật hẹp và các vụ không kích dày đặc từ Israel mà người ở Gaza hầu như không có mấy nơi an toàn để trú ẩn. Sau khi Hamas giành quyền lực năm 2007, Israel và Ai Cập đã phong tỏa khu vực này, khiến cho người ở Gaza gần như không thể rời khỏi đây.

Ngoài hoạt động vũ trang, phong trào Hamas hoạt động cả về chính trị và từ thiện, là chính quyền trên thực tế kiểm soát Gaza. Hàng nghìn dân thường làm công chức và cảnh sát cho lực lượng này.

Đầu năm nay, Tòa Hình sự Quốc tế đã mở điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh do Israel và các tay súng Palestine gây ra trong cuộc chiến tranh năm 2014. Trong xung đột hiện nay, cả hai bên dường như lại lặp lại những hành vi như năm 2014.

Giao tranh trong đô thị

Chú thích ảnh
Một tòa nhà dân sư bị Israel không kích sập ở Gaza. Ảnh: AP

Các tay súng Palestine đang hoạt động trong các khu vực cư dân và đặt các đường hầm, bệ phóng rocket, sở sở hạ tầng kiểm soát và chỉ huy gần trường học, nhà thờ và nhà dân.

Công tố viên sẽ phải chứng minh họ cố ý đặt tài sản quân sự gần dân thường để hưởng lợi từ quy chế bảo vệ dân thường trong chiến tranh.

Lực lượng bất cân xứng

Chú thích ảnh
Tòa nhà chứa văn phòng của AP và các hãng truyền thông ở Gaza đổ sập ngày 15/5. Ảnh: AP

Những bên chỉ trích Israel thường cáo buộc nước này sử dụng lực lượng bất cân xứng. Họ cho biết quốc gia sở hữu hạt nhân này với lực lượng quân sự hùng mạnh nhất khu vực đang gây chiến với một nhóm tay súng hầu như không có gì ngoài rocket tầm xa mà phần lớn bị hệ thống phòng thủ của Israel đánh chặn.

Như trước đây, số người chết trong xung đột hiện nay cũng rất mất cân đối ở hai bên. Ở Gaza, ít nhất 200 người thiệt mạng, trong đó gần một nửa là phụ nữ và trẻ em. Ở Israel, chỉ có 10 người thiệt mạng.
Israel lý luận rằng mình có quyền loại bỏ mối đe dọa từ rocket, trong đó có các sở sở hạ tầng chỉ huy liên quan.

Israel nói đã nỗ lực để tránh gây thiệt hại cho dân thường bằng cách cảnh báo trước không kích. Tuy nhiên, theo Marco Sassoli, Giáo sư tại Học viện Nhân quyền và Luật Nhân đạo Quốc tế Geneva, trong các cuộc xung đột trước đây, Israel có khái niệm khá rộng về các mục tiêu quân sự hợp pháp.

Chú thích ảnh
Đơn vị pháo tự hành Israel khai hỏa nhằm vào mục tiêu ở Gaza ngày 17/5. Ảnh: AP

Theo luật pháp quốc tế, tỷ lệ cân xứng cũng áp dụng với từng cuộc tấn công, nhưng các chuyên gia nói rằng cực kỳ khó chứng minh một cuộc tấn công cụ thể là bất cân xứng. Người ta cần phải biết mục tiêu là gì, lợi thế quân sự đạt được và liệu cuộc tấn công có gây tổn hại cho dân thường và tài sản dân thường hay không. Điều đó có nghĩa là trong thực tế, chỉ có vụ cực đoan nhất mới có thể bị truy tố.

Ngày 15/5, Israel đã không kích tòa nhà 12 tầng, nơi đặt văn phòng của hãng tin AP và mạng tin tức Al-Jazeera cũng như hàng chục doanh nghiệp nhỏ, trong đó có một công ty luật, một phòng xét nghiệm máu và một công ty sản xuất truyền hình.

Quân đội Israel cảnh báo người dân trong đó sơ tán khỏi tòa nhà trước khi tấn công. Họ cho rằng Hamas hiện diện đáng kể trong tòa nhà khi nơi này đặt trung tâm kiểm soát và chỉ huy, đơn vị tình báo và các cơ sở để điều phối chiến dịch chiến đấu. Tuy nhiên, Israel không cung cấp bằng chứng.

Tổng giám đốc điều hành AP Gary Pruitt cho biết ông sốc và kinh hoàng trước vụ tấn công và AP đã kêu gọi điều tra độc lập. Ông Pruitt nói: “Chúng tôi không thấy có hiện diện của Hamas trong tòa nhà, cũng như không được cảnh báo về hiện diện của họ trước vụ tấn công. Đây là điều mà chúng tôi kiểm tra kỹ nhất có thể”.

Theo ông Sassoli, tấn công trung tâm truyền thông là hoàn toàn bất hợp pháp.

Chú thích ảnh
Người cha ôm túi đựng thi thể con gái tại bệnh viện Shifa ở Gaza. Cô bé chết trong một cuộc không kích của Israel. Ảnh: AP

Các vụ không kích gây thương vong dân thường đã đặt ra nhiều câu hỏi về bất cân xứng lực lượng. Ngày 23/5, Israel đã không kích dữ dội dọc con đường lớn ở thành phố Gaza, nói là nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự ngầm của Hamas. Vụ không kích này đã đánh sập ba tòa nhà và khiến 42 người chết, trong đó có 16 phụ nữ và 10 trẻ em.

Ngày trước đó, Israel không kích trại tị nạn đông người khiến 10 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Truyền thông Israel nói rằng quân đội nhằm vào quan chức Hamas cấp cao đang họp ở đó.

Đội quân ngầm

Chú thích ảnh
Lính cứu hỏa Palestine dập lửa tại một quán cà phê ven biển trúng hỏa lực của Israel. Ảnh: AP

Thành viên nhánh quân sự của Hamas hiếm khi mặc đồng mục hoặc để lộ mình ở nơi công cộng. Họ hoạt động dưới lòng đất ngay khi có xung đột.

Phần lớn người ủng hộ Hamas không tham gia giao tranh, có nghĩa là họ không phải là mục tiêu của Israel. Hầu hết họ là dân thường.

Ủy ban Chữ tập đỏ Quốc tế định nghĩa tay súng là người có chức năng chiến đấu liên tục hoặc người tham gia chiến đấu tại thời điểm họ bị tấn công.

Vì thế, cho dù một tòa nhà nào đó đầy người ủng hộ Hamas thì các chuyên gia cho rằng tòa nhà đó vẫn không thể là mục tiêu hợp pháp của Israel, trừ khi những người đó tham gia chiến đấu.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Không đủ chỗ trú ẩn, 1/3 dân Israel sống trong sợ hãi trước ‘mưa rocket'
Không đủ chỗ trú ẩn, 1/3 dân Israel sống trong sợ hãi trước ‘mưa rocket'

Báo cáo chỉ ra 1/3 người dân Israel không được tiếp cận với hệ thống công trình trú ẩn trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công tên lửa hoặc rocket từ bên kia Dải Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN