Theo tờ New York Times (NYT) ngày 20/8, Tổng thống Biden đã phê duyệt một kế hoạch chiến lược hạt nhân tuyệt mật cho Mỹ, trong đó lần đầu tiên định hướng lại chiến lược răn đe của Mỹ để tập trung đối phó với việc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng lớn. Thay đổi này diễn ra khi Lầu Năm Góc cho rằng kho vũ khí của Trung Quốc sẽ ngang bằng với Mỹ và Nga về quy mô cũng như tính đa dạng trong thập kỷ tới.
Nhà Trắng chưa bao giờ thông báo rằng ông Biden đã phê duyệt chiến lược sửa đổi nói trên, có tên là “Hướng dẫn Sử dụng Hạt nhân”. Chiếc lược này cũng nhằm chuẩn bị cho Mỹ đối phó với những thách thức hạt nhân mà có thể các đối thủ của Mỹ sẽ phối hợp thực hiện.
Hướng dẫn này, được cập nhật khoảng bốn năm một lần, được bảo mật cao đến mức không có bản điện tử, chỉ có một số ít bản cứng được phân phát cho một số quan chức an ninh quốc gia cũng như các chỉ huy Lầu Năm Góc.
Nhưng trong các bài phát biểu gần đây, hai quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã nhắc tới thay đổi trong hướng dẫn nói trên trước khi có một thông báo chi tiết hơn và không bí mật được gửi đến Quốc hội trong thời gian ông Biden còn tại nhiệm.
Ông Vipin Narang, một chiến lược gia hạt nhân từng làm việc tại Lầu Năm Góc, cho biết: “Gần đây, Tổng thống đã ban hành hướng dẫn cập nhật về sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với các đối thủ có vũ khí hạt nhân. Hướng dẫn về vũ khí hạt nhân đã tính đến xu hướng gia tăng đáng kể về quy mô và tính đa dạng của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc”.
Vào tháng 6, ông Pranay Vaddi, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, cũng đề cập đến tài liệu nói trên. Đây là tài liệu đầu tiên nhằm kiểm tra chi tiết xem bằng cách sử dụng kết hợp vũ khí hạt nhân và không hạt nhân, liệu Mỹ có sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng hạt nhân bùng nổ đồng thời hoặc liên tiếp hay không.
Theo ông Vaddi, chiến lược mới nhấn mạnh tính cần thiết phải răn đe các đối thủ của Mỹ đồng thời.
Trước đây, khả năng các đối thủ của Mỹ phối hợp tạo ra các mối đe dọa hạt nhân để vượt qua kho vũ khí hạt nhân của Mỹ dường như rất xa xôi. Nhưng các mối quan hệ phát triển giữa các đối thủ của Mỹ gần đây đã thay đổi suy nghĩ của nước này.
Tài liệu mới là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025 tới đây sẽ phải đối mặt với một bối cảnh hạt nhân thay đổi và bất ổn hơn nhiều so với ba năm trước đây.
Các quan chức Mỹ cho rằng sớm hay muộn thì một môi trường hạt nhân hoàn toàn khác sẽ bắt đầu thay đổi các kế hoạch chiến tranh và chiến lược của Mỹ.
Theo các chuyên gia, thách thức mới với Mỹ là khả năng các đối thủ có vũ khí hạt nhân hợp tác với nhau.
Cho đến nay, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, những thách thức mới đối với chiến lược hạt nhân của Mỹ chưa phải là chủ đề tranh luận. Ông Biden, vốn là người đã dành phần lớn sự nghiệp chính trị để ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, chưa bao giờ công khai nói chi tiết về cách ông sẽ đối phó với những thách thức như vậy. Phó Tổng thống Kamala Harris, người hiện là ứng cử viên của đảng Dân chủ, cũng chưa đề cập.
Theo đài RT ngày 21/8, khi được hỏi về thông tin nói trên của tờ New York Times, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Savett trả lời: “Hướng dẫn được ban hành vào đầu năm nay không nhằm phản ứng đối với thực thể, quốc gia hay mối đe dọa nào cụ thể”.
Động thái điều chỉnh chiến lược hạt nhân của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa một bên là Mỹ và các thành viên NATO với một bên là Trung Quốc và Nga. Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau leo thang tình hình ở Ukraine và Đài Loan (Trung Quốc).
Cả Nga và Trung Quốc đều cáo buộc Mỹ kích động các xung đột trên toàn thế giới và tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác. Đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh không nhằm chống lại ai.