Nuôi gián để ăn và làm thuốc

Gián là một loài côn trùng gây sợ hãi và khó chịu với đa phần mọi người. Nhưng với nhiều người dân Trung Quốc, chúng không chỉ là một món ăn mà còn là một thứ “thần dược” rẻ tiền. Chính vì vậy, nuôi gián đang được coi là nghề ăn nên làm ra, nhất là các tỉnh miền nam Trung Quốc.


Các bao tải gián đã sẵn sàng cho anh Wang đi giao hàng.


Theo ông Liu Yesheng, giáo sư trường Đại học Nông nghiệp Sơn Đông và là Chủ tịch Hiệp hội Côn trùng tỉnh Sơn Đông, gián thực sự là một thứ thần dược. Chúng có thể chữa được một số bệnh và có tác dụng nhanh hơn nhiều so với các loại thuốc khác.


Một số bệnh viện Trung Quốc đang dùng kem làm từ gián nghiền thành bột để trị vết bỏng, còn ở Hàn Quốc người ta dùng bột gián làm mặt nạ đắp mặt. Gián được chế biến dưới dạng siro lại có khả năng chữa bệnh viêm dạ dày-ruột, loét tá tràng và lao phổi. Những thuốc làm từ gián có giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc tây.


Trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh, nhu cầu thuốc từ gián vừa hiệu quả vừa rẻ tiền ngày một lớn, nhiều nông dân đã chớp lấy cơ hội này để làm giàu. Wang Fuming, 43 tuổi, sống ở Sơn Đông là một nông dân đi đầu trong nghề này.


Anh Wang và một vốc gián chết.


Trang trại nuôi gián của Wang được làm từ những chiếc bể bằng bê tông - nơi ở của 22 triệu con gián. Theo anh Wang, món ngon nhất là “gián rán” và phải rán hai lần trong chảo mỡ nóng. Sở dĩ có lần hai là để cho lớp vỏ trở nên giòn và phần ruột mọng mỡ. Muốn ngon nữa thì thêm chút gia vị trong gói mì ăn liền và ăn kèm với một chút ớt để xuýt xoa với vị cay đầu lưỡi.


Để ăn thì chế biến như vậy. Còn để làm thuốc thì sao? Anh Wang cho biết: Hơn chục năm qua, anh chỉ nuôi loại gián có tên khoa học là Eupolyphaga Sinensis. Nhưng hai năm gần đây, anh đã chuyển sang nuôi gián Periplaneta americana hay còn gọi là gián Mỹ - một loại gián có màu đồng, chỉ dài chưa đầy 4 cm. Anh Wang cho biết: Có hàng trăm loại gián khác nhau nhưng chỉ gián Mỹ mới có giá trị chữa bệnh. Gián mà ta thường thấy ở nhà là gián Đức.


Tháng 9 là mùa thu hoạch ở Sơn Đông. Khi các nông dân khác hái táo hay bẻ ngô, anh Wang lại thu hoạch hàng bao tải gián. Cách thu hoạch gián cũng khá đơn giản. Họ thường giết gián bằng cách đổ thật nhiều nước sôi vào tổ gián khi chúng được khoảng bốn tháng tuổi, đã mọc cánh và có thể bay.


Toàn bộ số gián chết được chất vào bao tải và mang bán cho các công ty dược. Anh Wang rất phấn khởi vì giá gián ngày một cao. Từ năm 2011, trang trại gián với tám người làm của anh đã tăng gấp năm sản lượng lên hơn hơn 100 tấn/năm.


Mô hình nuôi gián thành công của anh Wang đã khiến nhiều nông dân quan tâm. Anh nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người muốn bắt tay vào nghề nuôi gián và đã giúp xây dựng khoảng 30 trang trại gián.


Cũng giống như Wang, ông Xiao Zhongwu rất “mát tay” trong nghề nuôi gián. Bí quyết nuôi gián của ông là một loại thức ăn có “công thức đặc biệt”, gồm rau nghiền trộn chất thải để có nồng độ axit amin cao theo yêu cầu của công ty dược. Ông đã đầu tư hơn số vốn quy ra tiền Việt khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng hàng loạt trang trại gián nhỏ và kiếm được ít nhất gần một tỷ đồng/năm. Có năm, ông còn kiếm được gần 3 tỷ đồng. Ông tiết lộ: “Công ty dược thường định giá nhưng tôi tích trữ gián để chờ bán khi nhu cầu tăng vọt”.


Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn coi gián là một loại côn trùng có hại. Họ gây áp lực buộc chính quyền địa phương hạn chế nuôi gián. Trong khi đó, để tránh chính quyền nhòm ngó, nông dân nuôi gián thường cố gắng làm mọi cách như bịt toàn bộ cửa sổ và cửa ra vào nơi nuôi gián bằng lưới để không con nào có thể thoát ra, ảnh hưởng đến hàng xóm.



Thùy Dương

Hơn 1 triệu con gián ‘trốn thoát’ khỏi trang trại Trung Quốc
Hơn 1 triệu con gián ‘trốn thoát’ khỏi trang trại Trung Quốc

Ít nhất một triệu con gián đã thoát khỏi một trang trại ở Trung Quốc, nơi chúng được nuôi với mục đích sử dụng trong y học cổ truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN