Nước đi 'chiến thuật thông minh' của Nga tại Syria

Thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ ngày 9/9 đã ngăn chặn nguy cơ một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria. Đây có vẻ là một thắng lợi ngoại giao của chính quyền Obama, song theo góc nhìn của cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Charles Crawford, đây lại là "ngày tồi tệ nhất đối với chính sách ngoại giao của Mỹ và phương Tây".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng nhiệm Mỹ John Kerry tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN.


Giáo sư Jonathan Adelman, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Korbel, Đại học Denver, nhận định rằng thỏa thuận trên là "bước tiến chiến thuật thông minh" của Nga, bởi "điều này khiến Nga không những trở thành 'người cứu vớt' Syria và đồng minh thân cận nhất (là ông Assad), mà còn là cách để nhấn mạnh thông điệp rằng người Mỹ hoàn toàn không đáng tin".

Trong gần bảy thập kỷ qua, những nỗ lực của Mỹ ở Trung Đông đã dựa trên sự đồng thuận của cả hai đảng trong Quốc hội - một điều hiếm thấy trong chính sách đối ngoại của Mỹ - nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga tại khu vực này. Đây là một lợi ích cốt lõi của chính sách đối ngoại của Washington, phản ánh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với Mỹ và đồng minh, cũng giống như Nga luôn tìm kiếm những đối tác trong khu vực, những nước không ủng hộ lợi ích và nền dân chủ Mỹ.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng thực tế Tổng thống Nga Putin đã tiến một bước dài trong việc thể hiện rằng Nga cần phải đóng một vai trò then chốt tại Trung Đông - vị thế mà Nga gần như đã tuột mất khỏi tay khi Liên bang Xô Viết sụp đổ cách đây hơn hai thập kỷ. Không chỉ vậy, ông Putin còn giúp củng cố được chế độ Assad, và tăng cường vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của Nga với tư cách là đối trọng địa chính trị với sức mạnh siêu cường của Mỹ.

Giờ đây, Moscow không chỉ có tiếng nói ngang hàng với Mỹ, mà Tổng thống Nga Putin còn có thể hạn chế sự can thiệp sâu hơn trong các vấn đề an ninh của Mỹ tại khu vực. Có thể là không đến mức như ông Crawford nhận xét, nhưng chúng ta cũng phải đồng ý rằng đây thực sự là một sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thập kỷ qua trước người Nga.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận Nga-Mỹ ngày 14/9 về việc giải giáp và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã đẩy chính quyền của Tổng thống Barack Obama vào một "cái bẫy" mà Kremlin đã theo đuổi từ lâu nhằm kiềm chế sức mạnh của Mỹ và khôi phục vị thế của Nga tại Trung Đông.

Giáo sư ngành quan hệ quốc tế R. Nicholas Burns, tại Trường Chính trị Kennedy thuộc Đại học Havard, cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu trong một chiến lược lâu dài của Nga. Ông nói: "Một trong những mục tiêu dài hạn của ông Putin trong suốt thập kỷ qua là hạn chế quyền lực và sự linh hoạt của Mỹ. Họ (Nga) không muốn sống trong thế giới bị người Mỹ chi phối. Họ sẽ ngay lập tức chớp lấy mọi cơ hội để kiềm chế, kìm hãm sức mạnh của Mỹ và khiến Mỹ kiệt sức".

Hài lòng cả hai

Tuy nhiên, có vẻ như ông Obama và Putin cùng chia sẻ quan ngại chung về các vấn đề liên quan đến phe đối lập tại Syria. Mặc dù cuộc nổi dậy ở Syria khởi nguồn là vấn đề nội bộ, song phe nổi dậy ngày càng đông hơn kéo theo nhu cầu về hỗ trợ quân sự, và các phần tử Hồi giáo cực đoan đã chớp lấy cơ hội chen chân vào lực lượng này.

Cả Mỹ và Nga đều không muốn thấy một quốc gia chiến lược như Syria lại bị kiểm soát bởi các phần tử tôn giáo cực đoan. Nga đặc biệt bày tỏ quan ngại trong bối cảnh đường biên giới dài phía Nam của nước này giáp với các quốc gia Hồi giáo từng là các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Moskva đã mất gần 2 thập kỷ để trấn áp cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Chechnya phía Nam thuộc vùng Caucasus, không quá xa Syria. Trong khi đó, Mỹ lại lo ngại về việc ngày càng nhiều các vùng lãnh thổ có nguy cơ bị kiểm soát bởi các tay súng Hồi giáo và tổ chức al-Qaeda.


Cả ông Obama và Putin đều sẽ cảm thấy hài lòng, vì nhiều lý do khác nhau, khi một lần nữa họ đã tránh được một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria ở thời điểm hiện tại. Đối với ông Putin, các cuộc hội đàm lần này sẽ củng cố vị trí của Moskva trên trường quốc tế và có thể bảo vệ được đồng minh Trung Đông quan trọng của họ (cho dù bằng cách trì hoãn hay ngăn chặn thành công cuộc tấn công đó). Đối với ông Obama, thỏa thuận này sẽ kéo ông ra khỏi thế chính trị khó xử do ông tự tạo ra khi tuyên bố rằng Mỹ đã sẵn sàng tấn công, sau đó lại rút lại tuyên bố này để chia sẻ trách nhiệm với Quốc hội - vốn không muốn can dự vào cuộc tấn công này.

Trong bối cảnh con số thương vong trong cuộc nội chiến Syria đã lên tới hơn 100.000 người và hàng triệu người đã phải rời bỏ đất nước, Tổng thống Nga Putin đang tận dụng lợi thế từ sự đánh giá của dư luận. Người ta cho rằng đang có một sự đối lập lớn giữa một bên là lập trường kiên định của Nga trong việc ủng hộ một Syria bị cô lập với một bên là thái độ dè dặt và thiếu quyết đoán của Mỹ trong việc xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng này.




Vũ Thanh (Tổng hợp)

Chuyên gia phương Tây nghi ngờ thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria
Chuyên gia phương Tây nghi ngờ thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria

Mặc dù nhận được sự hưởng ứng của đa số trong cộng đồng quốc tế, song thỏa thuận Nga-Mỹ về giải giáp vũ khí hóa học tại Syria vẫn không khiến giới chuyên gia phương Tây tin tưởng bởi còn nhiều câu hỏi đặt ra cho các điều kiện thực hiện thỏa thuận này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN