Chuyên gia phương Tây nghi ngờ thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria

Mặc dù nhận được sự hưởng ứng của đa số trong cộng đồng quốc tế, song thỏa thuận Nga-Mỹ về giải giáp vũ khí hóa học tại Syria vẫn không khiến giới chuyên gia phương Tây tin tưởng bởi còn nhiều câu hỏi đặt ra cho các điều kiện thực hiện thỏa thuận này, đây là thông tin được đưa ra trên tờ báo Pháp "Le Monde" ngày 16/9.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry sau các cuộc hội đàm kéo dài 3 ngày tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/ TTXVN


Olivier Lepick, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) có trụ sở tại Paris, khẳng định: "Không thể tin là việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria sẽ được hoàn thành vào tháng 11/2014 nếu xét trong điều kiện nội chiến của nước này. Điều này hoàn toàn hoang tưởng. Kể cả trong thời bình cũng phải mất nhiều năm để thực hiện. Syria không có bất cứ cơ sở hạ tầng nào để phá hủy số vũ khí hóa học của họ. Cần phải xây dựng các nhà máy với chi phí chắc chắn lên tới nhiều trăm triệu USD".

Trên thực tế, bản thân Mỹ và Nga cũng chưa thể kết thúc chương trình giải giáp kho vũ khí hóa học của chính hai nước này, với tổng khối lượng lần lượt khoảng 30.000 và 40.000 tấn. Cả Nga và Mỹ đã cùng phải chi hàng chục tỷ USD từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước để thực hiện các cam kết theo Công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học 1993.

Washington và Moscow có chung đánh giá rằng kho vũ khí hóa học mà Syria đang sở hữu có thể lên tới 1.000 tấn. Theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ, Damascus có một tuần để giao cho Liên hợp quốc (LHQ) danh sách các vũ khí hóa học được tàng trữ trong các kho chứa nằm rải rác trên khắp lãnh thổ nước này.

Tiếp đó, các thanh sát viên quốc tế sẽ phải có mặt tại Syria vào tháng 11 để kiểm tra tiến trình thực hiện theo thỏa thuận trên. Theo thông cáo của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC) có trụ sở tại La Haye, các thanh sát viên đang chuẩn bị "lộ trình" cho sứ mệnh tại Syria.

Theo khẳng định của Jean-Pascal Zanders, chuyên gia về vũ khí hóa học, tuy là tác giả xây dựng hiệp định Geneva, nhưng Mỹ và Nga sẽ không còn làm chủ các giai đoạn thực hiện mà Syria phải tuân thủ. Các quyết định từ nay sẽ chỉ được đưa ra bởi OIAC, và Hội đồng chấp hành (EC) của tổ chức này sẽ nhóm họp trong tuần này ở La Haye để đưa ra một định hướng.

Chuyên gia Zanders nói: "EC có đủ thẩm quyền để ra quyết định. Mỗi nước Nga và Mỹ chỉ thể hiện tiếng nói đại diện cho chính mình trong số 41 thành viên. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu không có sự đồng thuận trong việc ra quyết định".

Tiếp theo, việc tập hợp một đội ngũ thanh sát viên có đủ năng lực chuyên môn không hề đơn giản, cho dù khoảng thời gian hơn 1 tháng (từ nay đến tháng 11) không phải là ít. David Kay, cựu quan chức phụ trách thanh sát vũ khí tại Iraq thời điểm Mỹ can thiệp quân sự năm 2003, phát biểu trên kênh truyền hình CNN: "Trong mọi tình huống, cần phải tìm cho được những người am hiểu việc chế tạo vũ khí hóa học để có thể phá hủy chúng. Theo các kinh nghiệm rút ra từ bài học Iraq, kể cả khi có năng lực thì cũng không phải tất cả đều muốn đến một khu vực chiến sự để làm nhiệm vụ".

Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, có hai phương pháp chính là thiêu hủy hoặc thủy phân. Việc chuyển tất cả các kho vũ khí hóa học của Syria sang một nước khác bị cấm bởi Công ước 1993. Mặc dù Syria có đường biên giới chung với một nước chưa phê chuẩn Công ước, nhưng nước này lại là Israel, kẻ thù không đội trời chung của Syria... Olivier Lepick, chuyên gia vũ khí hóa học người Pháp kết luận: "Nói tóm lại, Hiệp định Geneva là một thỏa thuận ngoại giao bảo vệ các lợi ích của Nga và Mỹ".



TTK
Giải giáp vũ khí hóa học Syria là duy nhất trong lịch sử
Giải giáp vũ khí hóa học Syria là duy nhất trong lịch sử

Kiểm soát và giải giáp vũ khí hóa học của Syria sẽ là trường hợp duy nhất xét cả về kỹ thuật lẫn cơ chế kiểm soát trong lịch sử hiện đại. Xưa nay chưa từng xảy ra trường hợp phải tiêu hủy vũ khí hóa học tại một nước đang có chiến tranh.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN