Giải giáp vũ khí hóa học Syria là duy nhất trong lịch sử

Trong khuôn khổ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, kho vũ khí hóa học của Syria sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó, có thể tiến hành phá hủy. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc phải tiến hành theo một quy trình như thế nào vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời.

Theo báo "Le Monde" (Pháp) ngày 13/9, kiểm soát và giải giáp vũ khí hóa học của Syria sẽ là trường hợp duy nhất xét cả về kỹ thuật lẫn cơ chế kiểm soát trong lịch sử hiện đại. Xưa nay chưa từng xảy ra trường hợp phải phá hủy vũ khí hóa học tại một nước đang có chiến tranh. Trường hợp của Syria cần phải tiến hành theo từng giai đoạn. Đầu tiên là kiểm kê toàn bộ những gì Syria đang sở hữu, sau đó là ký Công ước Cấm Vũ khí Hóa học 1993 (CIAC). Vấn đề là ở chỗ người ta cần biết chính xác cái gì trong kho vũ khí. Và cuối cùng, phải quy tập các tác nhân hóa học trong những địa điểm rút gọn.

Các chuyên gia LHQ điều tra tại địa điểm được cho là đã xảy ra vụ tấn công bằng khí độc tại Ghouta, ngoại ô Damascus. Ảnh: AFP/TTXVN


Nếu có thể vận chuyển các vũ khí hóa học ra khỏi Syria, công việc sẽ được tiến hành nhanh hơn. Nhưng trong trường hợp Syria, tốt nhất là đừng cân nhắc lựa chọn này, bởi tất cả các nước láng giềng đều đã phê chuẩn Công ước 1993. Điều 1 Công ước cấm "vận chuyển, trực tiếp hoặc gián tiếp, các vũ khí hóa học 'bất kể đó là gì'". Vận chuyển các tác nhân hóa học trong khắp cả nước cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề về an ninh và an toàn, bởi Chính phủ Syria không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Xét về hậu cần, đây cũng là điều nguy hiểm nếu xảy ra các cuộc tấn công trong quá trình vận chuyển và xét ở mức độ gây độc của các sản phẩm.

Theo cách mà các tác nhân hóa học được cất giữ, việc phá hủy chúng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Trong trường hợp của Syria, có vẻ như chúng được cất giữ dưới dạng lỏng để có thể dễ dàng vận chuyển, và điều này giúp cho việc tiêu hủy nhanh hơn. Không thể chắc chắn hoàn toàn, nhưng có vẻ như phần lớn các tác nhân hóa học được tàng trữ trong các container. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Syria không làm chủ hoàn toàn công nghệ bảo quản chất khí độc thần kinh.

Giai đoạn tiếp theo là giảm thiểu sự nguy hiểm của tác nhân hóa học trước khi đem thiêu đốt ở nhiệt độ cao và đặc biệt, phải bảo đảm không có khí thải đặc biệt. Đó là phương pháp đơn giản nhất và cũng hữu dụng nhất.

Con số 1.000 tấn vũ khí hóa học được tàng trữ trên khắp lãnh thổ Syria, như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chỉ là một đánh giá mang tính ước lượng. Theo nhiều thông tin, Syria có trình độ sản xuất và công nghệ tiên tiến hơn Iraq (theo đánh giá, Iraq có khoảng 600 tấn dưới thời chế độ Saddam Hussein).

Nếu Syria tham gia Công ước thì chính Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc tiêu hủy. Các thanh sát viên phải xác nhận việc tiêu hủy có tiến triển theo dự kiến hay không, nhưng chính Syria sẽ phải chịu trách nhiệm tiêu hủy các kho vũ khí của mình.

Nhìn lại các khó khăn gặp phải tại Libya (trong quá trình tiêu hủy một phần kho vũ khí hóa học của nước này kể từ năm 2004), nơi đã gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật và hậu cần để phá hủy gần 25 – 26 tấn hơi ngạt iperit, tất cả đều hiểu rằng đầy là việc làm rất không chắc chắn. Chỉ riêng giai đoạn phá hủy cũng có thể mất 3 năm. Thời gian thực hiện phụ thuộc chủ yếu vào số lò thiêu được triển khai, tất nhiên trong giả định sử dụng các hệ thống di động.

Ngày 12/9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cam kết trao cho Liên hợp quốc (LHQ) các tài liệu cần thiết để ký thỏa thuận về cấm sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời tuyên bố sẽ trao đổi các nhượng bộ quan trọng với Washington. Ngược lại, LHQ cũng thông báo đã nhận được "tài liệu đề nghị tham gia CIAC từ phía Chính phủ Syria". Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh động thái của Syria và bày tỏ "hy vọng các thảo luận hiện nay tại Geneva giữa hai ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ nhanh chóng dẫn đến một thỏa thuận".

Tuy nhiên, theo báo giới Mỹ và châu Âu, từ nhiều tháng nay cho đến tuần vừa qua, "Đơn vị 450" - một đơn vị đặc nhiệm của quân đội Syria - đã được điều động di chuyển các kho vũ khí hóa học. Cụ thể, từ một năm nay, các vũ khí hóa học đã bắt đầu được di chuyển từ phía tây Syria tới khoảng 20 địa điểm quan trọng, sau đó phân tán tiếp ra khoảng 50 chục địa điểm nhỏ hơn trên cả nước. Theo các chuyên gia Mỹ giấu tên, mục đích của việc phân tán là làm phức tạp hóa nhiệm vụ kiểm soát và thanh sát của quốc tế.


TTXVN/Tin tức

Syria gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học vào 14/10
Syria gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học vào 14/10

Sau khi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, người phát ngôn của LHQ ngày 14/9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN