Núi lửa trên đảo Bali. Ảnh: THX/TTXVN |
Giới chức thông báo khu vực nguy hiểm được xác định trong vòng bán kính 6 km tính từ miệng núi lửa, hẹp hơn so với phạm vi 10km được quy định khi Agung "thức giấc" hồi tuần trước. Người phát ngôn Cơ quan Xử lý thảm họa Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho cảnh báo tuy phạm vi giới hạn nguy hiểm đã được thu nhỏ lại nhưng những hoạt động địa chất bên trong núi lửa vẫn đang diễn ra rất mạnh.
50.000 người dân tại 12 địa phương trong khu vực nguy hiểm vẫn đang lưu lại tại các trung tâm tạm trú an toàn. Tro bụi chỉ ảnh hưởng một số khu vực ở phía Bắc và Đông Bắc của núi lửa, do đó sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai vẫn hoạt động bình thường. Người dân vẫn có thể tiếp tục hoạt động thường ngày và không cần quá lo lắng về đợt hoạt động mới của núi lửa này.
Từ tháng 11/2017, sau 50 năm "yên giấc", núi lửa Agung đã hoạt động trở lại với những dòng nham thạch tuôn trào cùng các lớp tro bụi dày đặc khiến giới chức nâng cảnh báo hoạt động núi lửa lên mức cao nhất và duy trì cho tới nay. Sân bay I Gusti Ngural Rai đã từng phải ngừng hoạt động trong 3 ngày vì ảnh hưởng của hoạt động núi lửa trong khi một sân bay khác ở hòn đảo Lombok lân cận cũng tạm ngừng hoạt động trong thời gian ngắn. Núi lửa ở núi Agung từng nhiều lần phun trào trong các năm 1963 và 1964, cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người và khiến hàng trăm người bị thương.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo vỏ Trái Đất tiếp xúc kéo theo nhiều hoạt động địa chấn tại đây. Tại quốc đảo này vẫn có gần 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2010, núi lửa Merapi thuộc đảo Java, được xem là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động nguy hiểm nhất thế giới, phun trào khiến hơn 300 người thiệt mạng và khiến 280.000 người sơ tán. Trong khi đó, núi lửa Sinabung trên đảo Sumatra hiện đang trong tình trạng cảnh báo cao nhất cũng đã hoạt động từ năm 2013.