Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, phát biểu trước báo giới địa phương, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết đã có hai vụ nổ xảy ra trên đảo Trắng sau khi núi lửa phun trào. Hiện các nhà chức trách vẫn đang tiếp tục công cuộc tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, các nhận định ban đầu cho thấy khả năng sống sót là rất thấp.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo tổng cộng 24 công dân Australia có mặt tại đảo Trắng vào thời điểm núi lửa phun trào, trong đó 3 công dân được cho là đã thiệt mạng. Ông Morrison cho hay một số người bị thương rất nặng và Australia đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng New Zealand để có thể xác định danh tính những người đang được điều trị trong bệnh viện.
Theo các nhà khoa học tại Australia, mỗi năm đảo Trắng thu hút tới trên 10.000 khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, có rất ít cảnh báo rủi ro được phát đi, kể cả trên trang web của cơ quan du lịch New Zealand, bất chấp việc giới chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại núi lửa White Island đang gia tăng hoạt động trong thời gian gần đây.
Giáo sư Richard Arculus, nhà nghiên cứu núi lửa của Đại học Quốc gia Australia, giải thích các chuyên gia địa lý thường xuyên theo dõi hòn đảo này bằng các dụng cụ đo điều khiển từ xa. Đảo Trắng có rất nhiều ngọn núi lửa, chúng tạo ra một “vành đai lửa” bao phủ hòn đảo và phun trào thường xuyên. Hoạt động của những ngọn núi lửa này diễn ra âm ỉ và bất ngờ, không đi kèm các dấu hiệu cảnh báo có thể cảm nhận trước như động đất, phản ứng rung, lắc bề mặt đảo…
Giáo sư Arculus nêu rõ trong vòng vài tuần qua, núi lửa White Island đã được cảnh báo nguy hiểm ở cấp độ 2, là mức cảnh báo "tình trạng bất ổn núi lửa vừa phải", bao gồm "nguy cơ bất ổn núi lửa và khả năng phun trào", trong thang cấp độ hoạt động núi lửa từ 0 đến 5. Tuy nhiên, giáo sư cho rằng các cấp cảnh báo này còn quá thấp so với thực tế.
Giáo sư Ray Cas, nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, nhận định hòn đảo "đã là một thảm họa đang ngủ yên trong nhiều năm" và việc cho phép khai thác du lịch hằng ngày trên các ngọn núi lửa là một điều rất nguy hiểm.
Trả lời trong một cuộc họp báo sau khi vụ việc xảy ra, Tiến sĩ Ken Gledhill, chuyên gia của cơ quan địa chất New Zealand GNS Science, cho rằng vụ phun trào mới chỉ bắt đầu và có sự gia tăng hoạt động của các ngọn núi lửa trong vài tuần qua. Ông Glenhill thừa nhận các chuyên gia không dự đoán được sẽ còn có một vụ phun trào nào khác xảy ra tại hòn đảo này trong vòng 24 giờ tới hay không.
Ngày 9/11, núi lửa bắt đầu "thức giấc" trên đảo Trắng vào lúc 14h11 (giờ địa phương), cách bờ biển đảo Bắc khoảng 50 km về phía Đông. Đảo Trắng, hay đảo Whakaari theo tiếng thổ dân, nằm ngoài khơi Vịnh Plenty, là một nơi nổi tiếng đối với những du khách thích phiêu lưu mạo hiểm.
Theo GeoNet - hệ thống giám sát rủi ro địa chất học của New Zealand, với hơn 70% diện tích nằm chìm dưới biển, trong 50 năm qua, núi lửa trên đảo Trắng thường xuyên phun trào, với các vụ phun trào gần đây chủ yếu diễn ra trong năm 2016.