Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tài nguyên địa chất Hàn Quốc (KIGAM) ngày 12/4 cho biết trong giai đoạn 2002 - 2005, tại khu vực gần hồ Cheonji (Thiên Trì) trên đỉnh núi Baekdu đã xảy ra hơn 3.000 chấn động địa chất. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện được hiện tượng nước hồ Cheonji đang dâng cao. Giới nghiên cứu địa chất cho rằng tất cả đều là dấu hiệu về một đợt phun trào núi lửa nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành một nghiên cứu về thời điểm, quy mô phun trào và lập phương án đối phó.
Dự kiến, trong ngày 15/4 tới, tại Thư viện Quốc hội Hàn Quốc sẽ diễn ra cuộc thảo luận để chia sẻ những kết quả nghiên cứu về núi Baekdu. Buổi thảo luận do hai nghị sĩ của đảng Dân chủ đồng chủ trì, dưới sự tài trợ của Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông và Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Các học giả tham dự sẽ chia sẻ về hoạt động nghiên cứu, giám sát núi lửa Baekdu, tìm giải pháp trên phương diện nhân đạo, công bố các báo cáo nghiên cứu địa chất liên quan tới núi Baekdu. Các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ nhấn mạnh về tính cần thiết của việc xúc tiến nghiên cứu chung liên Triều.
Giám đốc KIGAM, ông Kim Bok-chul khẳng định viện sẽ tích cực hỗ trợ các chuyên gia tiến hành nghiên cứu nhằm phòng ngừa hiệu quả thiệt hại nếu núi nửa Baekdu phun trào, thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác liên Triều về núi Baekdu, đảm bảo an toàn cho người dân cả hai miền.
Núi Baekdu là một ngọn núi dạng núi lửa nằm trên biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Đây là đỉnh núi cao nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Đợt phun trào trên núi Baekdu vào năm 946 được mệnh danh là "vụ phun trào thiên niên kỷ", với lượng vật chất phun trào khổng lồ, có thể bao phủ toàn bộ một khu vực rộng lớn với độ dày lên tới 1m. Vụ phun trào trên là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trên Trái Đất trong vòng 10.000 năm trở lại đây.